Nồng ấm, nghĩa tình và tràn đầy ấn tượng là những điều đọng lại sau buổi lễ trọng thể được tổ chức vào 6/11/2009 này.
Trời Hà Nội đón khách bằng một ngày thật đẹp của thời tiết đầu đông với nắng vàng và cái gió se lạnh; làm duyên cho cờ, cho hoa , cho các vị khách và chủ nhà trong bộ quân phục “bốn túi” màu cỏ úa, màu xanh lá cây nay đã bạc màu thời gian nhưng đỏ ngực huân chương… Theo chương trình, đúng 14 giờ chiều, buổi lễ mới bắt đầu, nhưng ngay từ sáng sớm, chúng tôI đã được đón tiếp các vị khách quý từ nơi xa về với Báo CCB Việt Nam là đại biểu Hội CCB các tỉnh Quảng Ninh, HảI Phòng, là bác Nguyễn Văn Tài, 61 tuổi - tác giả được giải khuyến khích từ thành phố Vinh về Hà Nội bằng chuyến tàu đêm hôm trước, lưng vẫn đeo chiếc ba lô bạc màu giữ cẩn thận từ năm nào… 13 giờ, 13 giờ 30, hội trường lớn T.Ư Hội CCB Việt Nam đã gần kín người. Vinh dự nhất, ngoài Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam Phùng Khắc Đăng và các cán bộ lãnh đạo cơ quan T.Ư Hội, Báo còn được đón đồng chí Đặng Quân Thụy - nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam; đồng chí Hồng Vinh - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận T.Ư, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư và các cán bộ cơ quan T.Ư Hội, các đại biểu khách mời và 31 tác giả được giải của cả cuộc thi măng-sét Báo lẫn cuộc thi viết “Sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, từ mọi miền đất nước về dự…
Trong Lời khai mạc, đồng chí Trần Nhung - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam nêu rõ: Trải qua gần 20 năm trưởng thành, Báo CCB Việt Nam luôn được đổi mới và nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc. Để đến buổi lễ này là bước đi dài và công phu của Báo CCB Việt Nam trong suốt thời gian vừa qua. Ba sự kiện của buổi lễ chính là thế đứng chân kiềng của Báo CCB Việt Nam hôm nay: Cuộc thi “Mãi mãi sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” - ấy là nội dung xuyên suốt của Báo trong mọi thời kỳ về giữ gìn, phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ của các thế hệ CCB Việt Nam; Phụ trương “Làm giàu” 72 trang, một tháng hai kỳ, in ốp-xét 4 màu về các vấn đề như kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, chứng khoán, đầu tư tài chính… - ấy là hướng mở để CCB và nhân dân cả nước cùng thiết thực xoá đói giảm nghèo và vươn lên trong cuộc sống, mở mang kiến thức kinh tế, xây dựng kinh tế gia đình và đất nước; đổi măng-sét mới của Báo để cho tờ báo của Hội ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn hơn. Để có một măng-sét mới, Ban biên tập Báo CCB Việt Nam đã tổ chức cuộc thi sáng tác, được các hoạ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp hưởng ứng tích cực, đã có hơn 30 tác giả từ nhiều địa phương trong cả nước gửi tác phẩm dự thi, có tác giả gửi 9 mẫu sáng tác. Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Duy Lẫm - nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội đã được chọn để nâng cấp, làm mẫu măng-sét mới và chính thức được sử dụng ngay đầu tháng 12 này trên các ấn phẩm của Báo CCB Việt Nam ...
Phần quan trọng nhất và thu hút sự quan tâm của mọi người nhất chính là phần tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Mãi mãi sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”. Trong bài phát biểu tổng kết cuộc thi , đồng chí Chi Phan - Phó tổng biên tập Báo CCB Việt Nam, Trưởng ban tổ chức giảI cho biết: Để thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Báo CCB Việt Nam đã tổ chức cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc của CCB cả nước trong chiến đấu, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với chủ đề “Mãi mãi sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, nhằm phản ánh sâu sắc bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong các cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước, trong công cuộc xây dựng, đổi mới, bảo vệ đất nước, qua đó đề cao giá trị nhân văn , góp phần hoàn thiện xã hội và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Sau thời gian phát động kể từ ngày 27-7-2006, Ban tổ chức đã sơ kết vào cuối tháng 12-2007 và theo yêu cầu của đông đảo bạn đọc, cuộc thi đã kéo dài đến hết tháng 9-2009. Ban tổ chức đã nhận được hơn 2.200 bài viết của gần 1.500 tác giả là cựu chiến binh, thương binh, cựu quân nhân, bộ đội tại ngũ, nhà báo, nhà văn, nhà giáo, nhân dân thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về tham gia dự thi. Có thể nói, hiếm có cuộc thi nào từ trước đến nay của Báo CCB Việt Nam lại nhận được sự hưởng ứng đông đảo và rộng rãi cả về quy mô địa lý và thành phần tham gia đến như vậy. Hai mảng đề tài mà các tác giả tập trung thể hiện là mảng kỷ niệm thời chiến đấu - thế mạnh của các CCB chúng ta vốn là những người trong cuộc, được chứng kiến và trực tiếp tham dự và mảng thứ hai, thể hiện cuộc sống hiện nay của đất nước. Có thể nói, đại đa số các bài viết đều tập trung ở mảng thứ nhất…Đó là các tác phẩm “Từ một học sinh trường Chu Văn An” của bác Đỗ Sâm ở Hà Nội viết về Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều, “Huyền thoại về người dũng sĩ diệt Mỹ” của tác giả Trần Quang Trung, “Quốc ca vang lên ở địa ngục Côn Đảo” của Xuân Sơn, “Lộ vòng cung” của Trần Trọng Trí… Hay nhất, hấp dẫn nhất chính là tác phẩm “Chiến công thầm lặng” của tác giả Nguyễn Văn Chiến đã đoạt giải nhất trong cuộc thi viết “Mãi mãi sáng danh truyền thống Bộ đội Cụ Hồ”, viết về “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới đất nước Phạm Minh Thư. Các đồng chí Đặng Quân Thụy, Phùng Khắc Đăng, Hồng Vinh, Nguyễn Hữu Đường, Trần Nhung, Chi Phan trao tặng giải thưởng cho các tác giả, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay không dứt, nhất là khi tác giả Nguyễn Văn Chiến nhận giải nhất cùng nhân vật của mình là Anh hùng Phạm Minh Thư… Những bó hoa tươi và những nụ cười rạng rỡ. Đáp lại những mong muốn, những đề nghị của các tác giả và cũng là của bạn đọc, bạn viết khắp nơi, Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam Trần Nhung cho biết, tiếp theo, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục mở cuộc thi viết với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (sẽ có thông báo sau) nhằm ủng hộ thiết thực cuộc vận động lớn nhằm khôi phục và phát triển kinh tế đất nước…
Lê Doãn Chiêu