TS. Cao Đức Thái
Ngày 4-12-1950 với Nghị quyết số 423 Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận ra tuyên bố lấy ngày 10-12 hằng năm - ngày ra đời bản “Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền” làm “Ngày Nhân quyền quốc tế”.
Cùng với Bản Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, hai công ước “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”, “Công ước quốc tế về các quyền kinh tế-xã hội và văn hóa” (1966), quy định tất cả những quyền và tự do cơ bản của con người được cộng đồng quốc tế xem là “Bộ luật quốc tế về quyền con người”. Dựa trên Bộ luật quốc tế về quyền con người, cơ chế bảo vệ quyền con người của LHQ cũng đã được hình thành. Đây chính là ý nghĩa và tầm quan trọng lớn lao của bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền.
Quyền con người là một trong những mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, quyền con người ở các dân tộc thuộc địa phải dựa trên tiền đề giải phóng dân tộc. Bởi vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng CSVN đã đi theo con đường của Chủ nghĩa Lê-nin, làm cách mạng giành độc lập để đi đến xây dựng xã hội XHCN với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, nhân dân làm chủ, xã hội công bằng, văn minh.
Trong hai cuộc kháng chiến, kéo dài 30 năm nhằm bảo vệ quyền sống còn của dân tộc, đồng thời không lúc nào Đảng và nhân dân ta không quan tâm đến xây dựng Nhà nước của nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động.
Đổi mới là một thời kỳ đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Đảng ta chủ trương chọn lọc - kế thừa các giá trị của nền văn minh nhân loại, trong đó kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, dân chủ và quyền con người. Tuy nhiên, Đảng ta luôn quán triệt nguyên tắc: Đổi mới phải dựa trên chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững định hướng XHCN, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân. Việt Nam không chấp nhận mô hình dân chủ, nhân quyền của phương Tây, không sao chép mô hình “Dân chủ, công khai”, “đa nguyên, đa đảng” của cải tổ. Nhờ sự lãnh đạo vững vàng, sáng suốt của Đảng CSVN, đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế-xã hội, từng bước vươn lên đạt được những thành tựu to lớn về nhiều mặt: Chính trị ổn định; kinh tế-tuy đang phải đối diện với khó khăn song vẫn giữ được tăng trưởng dương. Việt Nam vẫn là quốc gia có sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư. Với những thành tựu to lớn về mọi mặt - Việt Nam đã được LHQ tín nhiệm bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ khóa 2014-2016.
Dựa trên Cương lĩnh, đường lối của Đảng, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Hiến pháp 2013 (được QH khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 28-11-2013) lần đầu tiên đã quy định đầy đủ, trực tiếp quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân tại Chương II.
Trong Chương II các quyền dân sự, chính trị được xem là “nhạy cảm” đã được quy định đầy đủ. Chẳng hạn công dân có quyền, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… (điều 24); quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… (điều 25). Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.
Những nguyên tắc về quyền con người cũng đã được ghi nhận bao gồm các nội dung lớn sau: 1/ Xác định rõ mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân; 2/ Nguyên tắc hạn chế về quyền và 3/ Nguyên tắc “suy luận vô tội”.
Theo quan điểm chung của cộng đồng quốc tế, Luật quốc tế về quyền con người điều chỉnh mối quan hệ giữa nhà nước (cơ quan, tổ chức nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước) với người dân. Trong mối quan hệ này, quyền thuộc về người dân; tôn trọng bảo vệ và bảo đảm quyền thuộc về nghĩa vụ của nhà nước (của cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức). Điều 14, ghi: “Ở nước CHXHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Nghĩa vụ của Nhà nước bao gồm: Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm (thực hiện) quyền của người dân. “Tôn trọng” là các cơ quan Nhà nước (Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cấp chính quyền…) không được phép ra các văn bản vi phạm các quyền và tự do của người dân đã được ghi trong Hiến pháp. “Bảo vệ” là Nhà nước có nghĩa vụ kịp thời ngăn chặn mọi hành vi vi phạm quyền của người dân, dưới bất cứ hình thức nào, khi nào và từ đâu, nhằm bảo vệ người dân. “Bảo đảm” là Nhà nước chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với khả năng của mình nhằm nâng cao đời sống của nhân dân… Như vậy thay vì quan hệ “xin-cho” (trong nhận thức cũ, mà báo chí từng phê phán) trong đó Nhà nước là người “cho”, còn người dân là người “xin” thì nay dường như quan hệ đó đã được đảo ngược đảo ngược, theo công thức “quyền nghĩa vụ”. Trong công thức này người dân là chủ thể của quyền, Nhà nước là người có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền.
Hiến pháp 2013, đã thể hiện cụ thể nguyên tắc “Suy luận vô tội”. Điều 31, Chương II quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Năm 2013, Nhà nước ta đã ký “Công ước Chống tra tấn, 1984”. Theo giải trình của Bộ Công an và đề nghị của Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước này. Đồng thời cũng phê chuẩn “Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật”. Đây là hai công ước quan trọng về nhân quyền.
Không phủ nhận rằng hiện nay Việt Nam đang phải đối diện với không ít những vấn đề về quyền con người, như sự phân hóa giàu nghèo; tình trạng quan liêu tham nhũng; tình trạng người dân không được hưởng các hàng hóa, dịch vụ tương xứng với chất lượng và giá cả… Tuy nhiên, với việc nhận thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH; với việc tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ XHCN; xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng và phát huy vai trò của các MTTQ, của các tổ chức đoàn thể xã hội, các quyền và tự do cơ bản của con người trên đất nước ta nhất định sẽ được bảo đảm ngày càng tốt hơn.
CĐT