Sau khi hoàn thành nhiệm vụ đánh địch trên đường 19, góp phần giải phóng Bình Định, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 Sao Vàng tiếp tục nhận lệnh hành quân “thần tốc” tiến vào đánh địch tại tuyến phòng thủ Phan Rang. Nhận lệnh ngày 8-4-1975, sáng ngày 14-4, bắt đầu nổ súng. Trong khi quãng đường từ Bình Định vào Phan Rang khoảng 400km. Làm sao trong 5 ngày vừa hoàn thành phương án tác chiến, vừa tổ chức hành quân bộ cho đội hình trung đoàn hàng nghìn quân vượt quãng đường đó, khi mà phương tiện cơ giới vừa thu được của địch chỉ có dăm chiếc xe tải quân sự?

Chỉ huy Trung đoàn họp khẩn, quyết định cho các đơn vị liên hệ với các địa phương vận động các gia đình có xe đò tham gia chuyển quân. Chỉ huy trung đoàn phân công tôi - Phó Chính ủy trung đoàn đi với Tiểu đoàn 3; cấp bách huy động mọi phương tiện để cơ động quân. Được sự đồng ý của chỉ huy Trung đoàn, tôi cho đánh máy sẵn một số “Giấy chứng nhận sử dụng xe” có đóng dấu, rồi xuống ngay Tiểu đoàn 3. Sau khi quán triệt nhiệm vụ cho Tiểu đoàn, không còn thời gian để liên hệ với chính quyền địa phương, chúng tôi quyết định chặn đón xe của dân ở ngã ba Phú Tài (ngã ba đường số 1 và đường vào thị xã Quy Nhơn).

Chờ chừng 15 phút, có 3 chiếc xe đò từ Quy Nhơn đi ra, trên xe chật ních người và hàng hóa. Tôi ra hiệu cho xe dừng lại và nói rõ ý định mượn xe với chủ xe. Ba chủ xe đều nhận lời, nhưng còn băn khoăn nếu bỏ khách lại giữa đường. Biết được nỗi băn khoăn đó, tôi trả lời: Việc ấy để chúng tôi lo. Liền đó, tôi gặp gỡ hành khách cả ba xe, nói rõ chúng tôi là bộ đội Sư đoàn 3 Sao Vàng, được lệnh hành quân gấp vào giải phóng Phan Rang, Ninh Thuận... Xin hứa với bà con, Quân Giải phóng chỉ mượn xe của bà con một ngày và trả ngay, để bà con về quê, sum họp gia đình...

Tôi vừa dứt lời, một cụ già ôm một bọc đồ trên xe xuống, rồi nói to:

- Tôi đề nghị bà con ta hãy nhường xe cho các chú Giải phóng đi giải phóng nơi khác, quê ta giải phóng rồi...

Lập tức, nhiều người cũng:

- Phải... phải... Phải đó...

Thế là bà con nhanh chóng xuống xe. Bộ đội cùng chung tay đón bế các cháu nhỏ, chuyển đồ của bà con xuống xe. Tôi quay lại hỏi các chủ xe:

- Bà con đã đồng ý nhường xe, bây giờ các ông còn ý kiến gì nữa không?

Thấy các chủ xe tần ngần, nhường nhau, tôi liền chủ động nói:

- Hiện nay, bộ đội Giải phóng không có tiền Sài Gòn để thanh toán tiền thuê xe. Tuy nhiên chúng tôi có “Giấy chứng nhận sử dụng xe”, các bác cứ giữ giấy; sau giải phóng đem đến chính quyền sở tại báo cáo, chính quyền sẽ thanh toán tiền, còn xăng dầu, bộ đội sẽ cấp theo yêu cầu... Nói xong, tôi đưa cho ba chủ xe ba Giấy chứng nhận...

Có xe, tôi thống nhất với Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Lê Đình Nhữ bố trí một đại đội hành quân trước, số còn lại tiếp tục chờ mượn xe. Cũng chỉ 30 phút sau, một đoàn 5 chiếc xe chở khách từ phía Nam ra (sau này biết là chở bà con dân Bình Định, Phú Yên... nghe quê nhà được giải phóng, nên nhanh chóng hồi hương). Tôi ra hiệu dừng xe, chưa kịp nói ý định của đơn vị thì số bà con trên ba chiếc xe trước đã tới chuyện trò, trao đổi với bà con mới đến. Rồi chủ xe và bà con trên 5 xe mới gặp chúng tôi bày tỏ:

- Chúng tôi cũng nhường xe cho Quân giải phóng hành quân vào giải phóng Ninh Thuận... Bà con còn giục chúng tôi đi nhanh, nếu không kẻ địch chạy hết... Biết chúng tôi là quân Sư đoàn Sao Vàng, nhiều người còn tự giới thiệu mình là người An Lão, Hoài Nhơn... từng đã nuôi bộ đội Sao Vàng bám trụ đánh địch trước đây... Tôi đứng lên chỗ đất cao, cảm ơn bà con và các chủ xe, lái xe. Đồng thời cùng chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức cho bộ  đội hành quân chiến đấu.

Đến 3 giờ sâng ngày 11-4, sau 15 giờ hành quân, toàn đội hình Tiểu đoàn 3 đã tới vị trí tập kết ở vườn dừa Ba Ngòi, huyện Cam Ranh, cách mục tiêu tiến công khoảng 8km. Tôi thay mặt đơn vị cảm ơn các chủ xe, lái xe và trao cho mỗi người một “Giấy chứng nhận sử dụng xe”. Các bác chủ xe xúc động nói:

- Chúng tôi nhận tờ giấy này làm kỷ niệm lần đầu tiên trong đời được chở một chuyến khách đặc biệt chưa bao giờ có, chứ không phải để sau này lĩnh thưởng. Anh em Giải phóng chẳng tiếc máu xương để đánh giặc, chúng tôi sao nỡ đòi tiến mấy lít xăng dầu...

Khoảng một giờ sau, đội hình Trung đoàn 2, cũng với phương thức huy động xe cộ của dân, đã có mặt đầy đủ ở vị trí tập kết. Từ ngày 14 đến 16-4-1975, đảm nhiệm trên hướng chủ yếu của Sư đoàn, Trung đoàn 2 đã cùng Sư đoàn 325 của Quân đoàn 2 và bộ đội địa phương giải phóng Phan Rang và toàn tỉnh Ninh Thuận. Riêng Trung đoàn 2 bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang và nhiều sĩ quan ngụy.

Cuộc hành binh thần tốc của Quân giải phóng đã làm cho kẻ địch bất ngờ, không kịp trở tay. Để có được tốc độ hành quân “thấn tốc” đó, chúng tôi đã biết nhờ vào sức dân. Nhớ về cuộc hành binh thần tốc tháng 4-1975, chúng tôi không bao giờ quên ơn những người dân dọc duyên hải miền Trung đã tận tình giúp đỡ, nâng bước những đoàn quân đi tới ngay toàn thắng.

LÊ VĂN QUÝT