Ông không bị xử tù, nhưng cái tiếng là kẻ đầu hàng, phản bội cứ lơ lửng trên đầu ông gần 40 năm qua. Không ai xử ông tội đầu hàng, phản bội, nhưng vì cái tiếng ấy mà cuộc đời ông mất trắng.

Ông tên là Nguyễn Thanh Bình, sinh năm 1945, trú quán tại xóm 9, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tháng 4-1963, ông Bình nhập ngũ. Cùng nhập ngũ với ông đợt ấy có ông Mai Văn Hiểu ở xóm 1, xã Khánh Nhạc (nay vẫn còn sống).

Tháng 12-1963, Tiểu đoàn 802 của ông làm lễ xuất quân vào Nam chiến đấu. Tiểu đoàn trực thuộc Phân khu Thừa Thiên - Huế, hoạt động từ Phong Điền - Quảng Điền đến Hương Trà. Cuối năm 1970, tiểu đoàn của ông nằm trong đội hình Trung đoàn 6 do ông Chữ làm trung đoàn trưởng và ông Vững làm chính uỷ (hiện nay cả hai ông còn sống).

Từ một chiến sĩ, ông Bình được đề bạt trung đội trưởng trung đội hoả lực của Đại đội 2, Tiểu đoàn 802 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 24-5-1965 tại Chi bộ 2 trong chiến trường. Tháng 1-1970, trong trận chiến đấu đánh địch ở huyện Phú Lộc, ông Bình bị thương, được đơn vị chuyển về trạm xá trung đoàn, từ đó chuyển theo đường dây ra Bắc. Khi ông Bình bị thương, ở đại đội 2 của ông có nhiều người biết: Y tá đại đội Trịnh Kim Mâu, quê ở Kim Định, Kim Sơn (nay còn sống); cán bộ đại đội Lã Khắc Sự, quê ở Khánh Cư (nay còn sống); chính trị viên Tiểu đoàn 802 Đức Hộ, nay là đại tá, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Khánh, người xã Khánh Hải... Số người ở Tiểu đoàn 802 biết ông Bình vào thời điểm ông bị thương lên tới 50 người (nay còn sống).

Đầu tháng 10-1970, Viện quân y 4 Quân khu 4 làm thủ tục cho ông Bình phục viên về địa phương liên hệ công tác. Hồ sơ phục viên của ông gồm: Quyết định phục viên và lý lịch quân nhân; giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng và lý lịch đảng viên; thẻ thương binh loại 1/8; giấy chứng nhận XYZ (thời gian công tác ở chiến trường). Thời gian ông Bình an dưỡng ở Viện quân y 4, ông Khải ở xóm 9, xã Khánh Nhạc; ông Nguyễn Văn Vinh ở xóm 3B, xã Khánh Nhạc, lúc bấy giờ là nhân viên Quân y viện 4 biết (hiện nay, ông Khải, ông Vinh đều còn sống).

Viết tỉ mỉ về ông Bình như trên, để muốn nói một điều, lý lịch của ông Bình là rõ ràng và trong sạch, được nhiều người biết và chứng nhận.

Ông Bình lấy vợ. Vợ ông cũng là đảng viên. Bố vợ ông Bình là Phó bí thư Đảng uỷ xã. Ông những tưởng sau khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, ông sẽ được hưởng một cuộc sống yên ả cùng gia đình trong lao động.

Tháng 2-1971, ông Trần Võ Oánh, trưởng công an xã và ông Nguyễn Xuân An, phó công an xã Khánh Nhạc gọi ông Bình lên xã thông báo có truyền đơn của địch rải ở xã là ông Bình làm tay sai cho địch, đang được chúng cho về thăm nhà. Hai ông công an yêu cầu ông Bình nộp toàn bộ giấy tờ của đơn vị để các ông thẩm tra. Ông Bình uất ức, nhưng cây ngay không sợ chết đứng, ông nộp hết giấy tờ để xã xem xét. Sự việc chưa dừng ở đấy. ít ngày sau, công an huyện bắt ông 10 ngày để thẩm tra (khi bắt không có quyết định, khi thả cũng không có kết luận gì). Rồi cấp uỷ xã vận động hai vợ chồng ông Bình xin nghỉ sinh hoạt Đảng. Ông Bình lên huyện, lên tỉnh nhiều lần vẫn không được trả lời dứt khoát. Thời gian cứ trôi, hai ông trưởng và phó công an xã mất, ông Bình không biết kêu ai. Con đầu lòng của ông làm đơn xin thi đại học, xã không chứng nhận. Miền Nam giải phóng, ông Bình tìm lại các đồng đội năm xưa xin chứng nhận lại thời gian hoạt động trong chiến trường của mình và nộp lại cho các cơ quan chức năng. Không có cơ quan nào đứng ra kết luận là ông phản bội, đầu hàng địch. Cũng không có cơ quan nào đứng ra giải quyết chế độ phục viên, chế độ 142... cho ông Bình. Và cái án không thành văn cứ lơ lửng trên đầu, gắn với cuộc đời ông gần 40 năm nay! Đã có lúc ông Bình không thiết sống.

Đọc đơn của ông Nguyễn Thanh Bình gửi tới Toà soạn, chúng tôi cứ hình dung ông Bình không hề sống thanh bình, lúc nào cũng đau đáu nỗi đau bị oan ức vì mang tiếng là phản bội, đầu hàng địch. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình sớm có kết luận chính thức về trường hợp của ông Nguyễn Thanh Bình để sinh mệnh chính trị của một cựu quân nhân được trả lại đúng chỗ của nó. Làm được như vậy, vai trò của cựu quân nhân, CCB và gia đình của họ mới phát huy được trong tình hình mới; để nông thôn của chúng ta phát triển và thanh bình.

Đỗ Tất Thắng