Việc bảo đảm quyền con người của Việt Nam trên các lĩnh vực, từ thể chế Quốc gia, pháp luật và trên thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có bước phát triển mới. Ảnh: tapchitaichinh.vn

LTS – Trong nhiều năm qua, cùng với tiến bộ về phát triển kinh tê-xã hội, quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn so với những giai đoạn trước cả bình diện pháp lý và thực tế. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước thì không thừa nhận kết quả ấy. Chúng liên tục lợi dụng những sự việc, những sự vụ ở trong nước để vu cáo Việt Nam đàn áp về nhân quyền. Việc này được sự hỗ trợ đắc lực của thế lực nước ngoài, trong đó điển hình là Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch-HRW), tổ chức nhân quyền Freedom House; Tổ chức ân xá quốc tế, Tổ chức phóng viên không biên giới (tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hoa Kỳ). Loạt bài: “Không thể phủ nhận tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam” giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh và cảm nhận rõ hơn về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Việt Nam về nhân quyền.

Bài 1: Con người, yếu tố trung tâm xây dựng xã hội ở Việt Nam

Ngày 30-4-2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW “ Về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới” (Nghị quyết 66). Trong nghị quyết này, quyền con người, quyền công dân tiếp tục được Đảng ta đặt lên hàng đầu và được coi là đối tượng quan trọng nhất trong việc đổi mới xây dựng, thực thi pháp luật. Điều ấy cũng có nghĩa là, trong thời gian tới, những hạn chế, những bất cập trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ, phát huy nhân tố con người, quyền con người cũng sẽ được tháo gỡ để mở đường, tạo điều kiện cho con người trong xã hội phát huy năng lực, cống hiến nhiều hơn cho đất nước, cho Tổ quốc.

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi con người là trung tâm, là động lực của sự phát triển

Trong một buổi gặp gỡ đồng chí Vũ Quang Đồng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc gần đây, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn về quan điểm của Đảng ta trong lĩnh vực phát huy nhân tố con người. Dù đang bận mải với việc nghiên cứu, cho ý kiến về việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013, nhưng cựu chiến sĩ đặc công từng chiến đấu nhiều năm ở chiến trường “tam giác sắt” thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và kết nạp Đảng từ năm 1970 vẫn dành cho chúng tôi những lời tâm đắc về Nghị quyết 66. Ông nói, hoàn toàn tin tưởng Đảng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội, quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Việt Nam xác định, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của Nhà nước. Ảnh: ĐỨC TÂM

Cùng quan điểm với CCB Vũ Quang Đồng, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc, nguyên chiến sĩ đặc công từng chiến đấu ở chiến trường Đồng Nai trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và được tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng phân tích, kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong tiến trình xây dựng xã hội mới, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, chưa khi nào và chưa bao giờĐảng Cộng sản Việt Nam không đặt yếu tố con người là trung tâm, làm động lực của sự phát triển. Ông nhớ lại, trong văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta đã khẳng định: Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định, muốn đạt các mục tiêu, chỉ tiêu thì phải phát huy tiềm lực con người.

Nghiên cứu văn kiện của Đảng, nhận thấy, vấn đề con người được đề cập đầu tiên tại Đại hội lần thứ IV của Đảng và được đề cập cụ thể, trực tiếp trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua tại Đại hội VII (năm 1991). Trong Cương lĩnh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Phát huy nhân tố con người trên cơ sở đảm bảo công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp tốt tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần; giữa đáp ứng các nhu cầu trước mắt với chăm lo lợi ích lâu dài; giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng xã hội” [1].

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 khóa VII, Đảng ta nhấn mạnh: “Con người là vốn quý nhất, chăm lo hạnh phúc con người là mục tiêu phấn đấu cao nhất của chế độ ta… Chúng ta cần tìm hiểu sâu sắc những giá trị lớn lao và ý nghĩa quyết định của nhân tố con người, chủ thể của mọi sáng tạo, mọi nguồn gốc của cải vật chất và văn hoá, mọi nền văn minh của các quốc gia, phải xuất phát từ tinh thần nhân văn sâu sắc nhằm phát triển con người toàn diện, xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái, thiết lập quan hệ thật sự tốt đẹp và tiến bộ giữa con người với con người trong sản xuất và trong đời sống”[2].

Văn kiện các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X, XI, XII, Đảng ta đều đặt con người là trung tâm của sự phát triển. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Từ cách tiếp cận này, Đảng ta yêu cầu: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”.

Hệ thống pháp luật hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền con người

Từ những chủ trương lớn của Đảng, công tác xây dựng hệ thống pháp luật cũng luôn lấy con người là trung tâm. Quyền con người không chỉ được coi là mục tiêu mà còn được coi là nguyên tắc trong xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là các đạo luật có tính chất làm gốc và dẫn dắt.

Theo đó, trong các chương trình, chính sách phát triển của Đảng ta đều phải hướng trọng tâm vào chủ thể hưởng quyền, đó là người dân-nhân dân; lấy quyền và lợi ích chính đáng của chủ thể hưởng quyền là cơ sở xây dựng và hoạch định chính sách phát triển quốc gia; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu cao nhất trong hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính tri quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hoạt động tư pháp tại Việt Nam đóng vai trò trung tâm trong việc bảo vệ quyền con người - một nguyên tắc cốt lõi được nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp nước ta.

Thực tế cho thấy, sau gần 40 năm đổi mới, Nhà nước đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người. Tổng kết triển khai thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 cho thấy, đến nay, hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, quyền con người đã có luật điều chỉnh. Đặc biệt trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 - được xem là đỉnh cao trong hoạt động lập hiến bảo vệ quyền con người.

Cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định về quyền con người, chỉ tính từ tháng 1-2014 đến tháng 6-2019, Quốc hội đã thông qua 107 luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 pháp lệnh, trong đó nhiều bộ luật, luật có liên quan trực tiếp tới quyền con người.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016–2021), Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 72 luật và 2 pháp lệnh liên quan đến quyền con người. Các luật, bộ luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành tập trung điều chỉnh nhiều quan hệ xã hội, trong đó có ưu tiên lĩnh vực bảo vệ các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Đặc biệt là tăng cường kiểm soát yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến của các dự thảo luật, bộ luật trước và trong quá trình soạn thảo và thông qua luật theo đúng trình tự, thủ tục đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).

PGS.TS Tường Duy Kiên nêu rõ, thời gian qua, các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đánh giá Việt Nam là “hình mẫu thành công trong phát triển con người có tính bao trùm”.

Trong việc bảo vệ các nhóm yếu thế, Việt Nam được Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã ghi nhận có nhiều nỗ lực thông qua các kỳ rà soát phổ quát định kỳ. Việt Nam nội luật hóa hiệu quả các công ước đã tham gia nhằm tăng cường quyền cho phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Ban hành nhiều chính sách ưu tiên và hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số, người nghèo, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua các chương trình như 135, 30a, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong thực tiễn, từ chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật Việt Nam còn hướng tới việc bảo vệ quyền tập thể, quyền đoàn kết để được phát triển, quyền được sống trong môi trường trong lành, quyền hòa bình... Đây được xem là những quan niệm tiến bộ mà nhiều nước văn minh đang hướng tới mà các học giả gọi là Thế hệ thứ ba của quyền con người (Generation Three Rights). (Còn nữa)

Trong gần 40 năm Đổi mới (từ 1986 đến nay), Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bất trong việc bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 ghi nhận trực tiếp các quyền con người và quyền công dân, với nguyên tắc về nghĩa vụ của nhà nước trong viêc tôn trọng, thực hiện, bảo đảm, bảo vệ các quyền này. Các quyền bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, báo chí, hội họp…được thể chế hóa thông qua các luật như: Luật Bầu cử, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (2016), Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Luật An ninh mạng (2018). Đặc biệt không gian tham gia của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách công, phản biện xã hội được mởi rộng.Các tổ chức như UNDP, Liên hợp quốc và nhiều học giả quốc tế ghi nhận những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong cải cách pháp luật và mở rộng quyền dân chủ.

          Tỷ lệ nghèo giảm từ trên 60% (đầu thập niên 1990) xuống còn khoảng 2–3% theo chuẩn nghèo đa chiều vào năm 2023 (WB & GSO).

-----

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.12-13.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị Trung ương 4 khoá VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.5.

(Còn nữa)

MẠNH THẮNG-TRỊNH HƯNG-HOÀNG HIẾU-NGÔ KHIÊM