Cổ động viên Qatar trong trận Qatar - Ecuador, ngày 20-11.
Vậy là đội tuyển chủ nhà Qatar đã trở thành đội đầu tiên chia tay FIFA World Cup 2022, sự kiện đầu tiên giải thể thao lớn nhất thế giới diễn ra ở Trung Đông. Thế nhưng, khoản đầu tư hơn 220 tỷ USD và hơn 10 năm chuẩn bị của Qatar đã đạt được những thành quả hiển hiện ngay từ khi giải đấu chưa khai mạc.
Thế giới giờ đây đã biết nhiều hơn về Qatar với diện tích hơn 11.500km2 và dân số chưa đến 3 triệu người nhưng dám mạnh tay xây dựng tới 8 sân vận động đẳng cấp nhất thế giới cùng những dịch vụ thể hiện sự sang trọng, thể hiện sự mến khách của người dân nước này.
Như mọi quốc gia “có việc” khác, Qatar bị các tổ chức nhân quyền xúm vào chỉ trích, thổi phồng những con số người bị tai nạn lao động vì xây sân vận động hay đòi quốc gia này đáp ứng những yêu cầu “dị biệt” như cho treo cờ hoặc băng-rôn đa sắc màu để vận động cho phong trào đồng giới, chuyển giới… Nhưng Qatar không thay đổi lập trường, văn hóa của đất nước Hồi giáo vẫn được duy trì dù cho cổ động viên đến từ nhiều châu lục có những đòi hỏi khác nhau. Ngay cả Chủ tịch FIFA Gianni Infantino khi ca ngợi nỗ lực nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ đăng cai sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh của Qatar cũng đồng thời phản bác những chính trị gia châu Âu thời gian qua lên án vấn đề nhân quyền ở Qatar, cho rằng bản thân người châu Âu "cần thêm 3.000 năm hối lỗi về những điều đã gây ra khắp thế giới trong 3.000 năm qua" trước khi nghĩ đến chuyện "rao giảng đạo đức". Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron cũng kêu gọi dư luận và chính khách phương Tây "không chính trị hóa thể thao" khi bàn luận về World Cup ở Qatar. Trong khi đó, thành viên Nghị viện châu Âu (EP) - Marc Tarabella đánh giá những cải cách của Qatar trong hành trình chuẩn bị World Cup có thể trở thành "hình mẫu tốt cho những láng giềng khu vực".
Qatar đăng cai World Cup từ “bàn tay trắng” và chỉ trong 10 năm đã hoàn thành việc chuẩn bị “quá mức xuất sắc” khiến các trận đấu đang diễn ra an toàn, suôn sẻ ở các sân vận động được thiết kế hiện đại với hệ thống làm mát tiên tiến cho dù mùa đông vẫn nóng nực ở Trung Đông.
Điều Qatar thu được không chỉ có thế. World Cup 2022 cho thấy Qatar đãthoát vòng phong tỏa của các láng giềng Arab và tăng vị thế chính trị trong khu vực. Vào đêm khai mạc World Cup 2022, tại sân vận động Al Bayt của T.P Al Khor, ngồi cạnh Tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani trên khán đài là Thái tử Saudi Arabia - Mohammed bin Salman và Tổng thống Ai Cập - Abdel Fattah el-Sissi, lãnh đạo của hai quốc gia Arab láng giềng mà vài năm trước còn dẫn dắt nỗ lực phong tỏa, cô lập Qatar vì cạnh tranh vị thế địa chính trị tại khu vực. Cũng có mặt trên hàng ghế thượng khách tại buổi lễ là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan, dù đội tuyển nước ông không giành được tấm vé vào vòng chung kết World Cup. Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken, Ngoại trưởng Anh - James Cleverly hay Ngoại trưởng Bỉ - Hadja Lahbib cùng các quan chức Liên Hợp quốc cũng có mặt tại Qatar trong tuần đầu tiên diễn ra World Cup 2022. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho việc Qatar khéo léo hóa giải nghi kỵ và mâu thuẫn với các nước láng giềng. Chỉ 5 năm trước, căng thẳng giữa các bên leo thang, khi Ai Cập cùng Saudi Arabia cáo buộc Qatar hỗ trợ một số nhóm Hồi giáo cực đoan và có quan hệ thân thiết với Iran. Sau 3 năm tìm cách chặn mọi tuyến giao thông đường hàng không, hàng thủy và đường bộ với Qatar, "Bộ tứ Chống khủng bố" Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia vào tháng 1-2021 đồng ý gỡ phong tỏa cho quốc gia này. Và giờ đây, họ lại ngồi cùng nhau ở Qatar dự lễ khai mạc World Cup.
Bầu không khí sôi nổi của FIFA World Cup lần đầu tiên ở Trung Đông đã xua đi những đám mây đen địa chính trị trong khu vực. Qatar không những thực hiện thành công những bước đi đột phá của mình về thể thao và du lịch mà còn trở thành hình mẫu cho một thế giới đoàn kết trong khi vẫn duy trì được những nét văn hóa Hồi giáo.
Phá vỡ thế bế tắc trong quan hệ ngoại giao với thế giới Arab, làm lan toả rộng hơn hình ảnh của một Qatar giàu có, hiện đại, mến khách đang hoà mình vào thế giới là thành công rõ nét của Qatar thông qua World Cup. Khoản đầu tư hơn 220 tỉ USD vào World Cup quả xứng là một sự đầu tư chiến lược của một quốc gia giàu có.
Thanh Huyền