Sau những năm tháng cách xa, những người lính Cụ Hồ tìm lại nhau trong một buổi chiều thanh bình yên ả, bên chén rượu quê với món ăn giản dị mà đầy nghĩa tình sâu nặng. Nay Hội CCB tỉnh Ninh Bình có trên 46 nghìn hội viên, sinh hoạt tại 1.766 chi hội, 210 cơ sở và 9 tổ chức trên cơ sở. Hội viên giữ hơn 70% các chức danh của cơ sở Đảng và hơn 40% chức danh chính quyền cấp xã. Hàng nghìn hội viên góp mặt trong các tổ tự quản của thôn, làng, tổ dân phố và tham gia hòa giải thành công trên 1.800 vụ mâu thuẫn trong nhân dân. Đồng thời hội viên luôn được quan tâm, chăm lo đến những lợi ích chính đáng và là trung tâm của các tổ chức Hội.
Riêng về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, Tỉnh hội tín chấp từ các nguồn vốn 389,2 tỷ đồng cho hội viên vay. Đồng thời tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật 354 buổi cho 38.815 lượt hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh. Toàn Hội có 122 doanh nghiệp, 150 trang trại, 57 gia trại, 9 hợp tác xã, 94 tổ hợp tác do hội viên CCB làm chủ, mỗi năm doanh thu hằng nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 6.000 lao động là CCB, CQN và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó Hội giới thiệu, tư vấn việc làm cho 574 con, em đi lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài. Đến nay Tỉnh hội không còn hộ đói, hộ nghèo còn 1,4%, hộ cận nghèo 1,9% theo tiêu chí mới; có 33/210 cơ sở không còn gia đình hội viên nghèo. Các cấp Hội xây dựng “Quỹ tình nghĩa” được trên 15 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa hằng trăm nhà cho hội viên có khó khăn về nhà ở.
Các cơ sở của Hội CCB TP. Ninh Bình tổ chức 14 buổi tập huấn về cây trồng vật nuôi cho 700 hội viên; kết hợp thông qua 47 tổ tiết kiệm vay vốn trên 21 tỷ đồng cho gần 1.300 hội viên vay. Sau khi tập huấn và được vay vốn, các hội viên chuyển đổi cơ cấu, đưa các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất và nhân rộng các mô hình kinh tế. Nhất là trồng hoa phục vụ đời sống của nhân dân. Nay Thành hội có 27 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 5 HTX, 4 tổ hợp tác và 7 trang trại. Qua tổng kết rút kinh nghiệm CCB sản xuất kinh doanh giỏi, thành phố có 200 cấp cơ sở; 52 cấp thành phố; 17 hộ cấp tỉnh và 7 hộ cấp trung ương; hội viên nghèo còn 3 gia đình.
Ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, có hai vợ chồng cùng là CCB Đặng Văn Thân, Ngô Thị Luyến khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Anh đi cày thuê trong làng, chị làm đậu phụ và nuôi lợn. Dần dần anh mua được máy cày, cày thuê trong xã. Khi tích lũy và được vay vốn, anh chị chuyển sang mô hình kinh tế VAC với 8 sào ruộng cấy lúa, tự đào 2ha ao, thả các loại cá trắm, trôi, mè, rô phi… nuôi hàng nghìn con gà, vịt bán trứng và thịt thương phẩm, một khu vườn trồng chuối và cây ăn quả; mỗi năm thu về trên 100 triệu đồng. Từ đó anh chị xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi các con khôn lớn, trưởng thành và đang chuẩn bị cho một cơ sở kinh doanh mới.
Cũng với mô hình kinh tế VAC, thương binh Nguyễn Văn Toán, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư đã tận dụng đất vườn và ruộng xây 8 ô chuồng nuôi lợn, đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả, kết hợp làm bún. Được tập huấn kỹ thuật, vay vốn anh mở rộng quy mô thành trang trại bền vững với 1 mẫu ruộng cấy lúa, 6 con lợn nái, thường xuyên có từ 50-60 con lợn thịt với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi các con khôn lớn, thành đạt.
Vừa tập trung phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững cho hội viên, Hội CCB tỉnh Ninh Bình còn tích cực ủng hộ các quỹ nghĩa tình đồng đội, từ thiện nhân đạo với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Trong đó ủng hộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Quỹ “Góp đá xây dựng Trường Sa”… 300 triệu đồng và thăm hỏi tặng quà cho các gia đình chính sách, hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Lấy hội viên làm trung tâm cho mọi hoạt động, Tỉnh hội được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và hàng trăm tập thể, cá nhân được nhận Cờ thưởng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Hội CCB Việt Nam và tỉnh Ninh Bình.
Bài và ảnh: Đặng Tư