Ba mẹ mất sớm, Nguyễn Văn Dũng (Hai Nhỏ), sinh năm 1948, quê ở ấp An Nghiệp, xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp) được cậu ruột đưa về nuôi. Tưởng đã yên ổn, thì cậu ruột của Dũng hy sinh. Dũng được ông Nguyễn Văn út (sinh năm 1923) và bà Phan Thị Giản (sinh năm 1927), làm ruộng, người cùng quê cưu mang, đưa về nuôi. Ông út - bà Giản trở thành ba mẹ nuôi của Dũng.

Năm 13 tuổi, Dũng đã tham gia cách mạng, vào du kích thoát ly. Đất nước có chiến tranh, ở vùng quê nghèo, nhiều người tham gia du kích từ tuổi thiếu niên. Năm 18 tuổi, trong đợt đi công tác ở vùng yếu, Dũng cùng đội du kích lọt vào ổ phục kích của địch. Anh bị thương vào đùi trái, được đồng đội và quân y Tỉnh đội chữa chạy. Lành vết thương, Dũng được đơn vị cử đi học lớp y tá. Sau khi học xong, Dũng được phân công về cơ quan hậu cần Tỉnh đội Kiến Phong. Dũng thường xuyên đi phục vụ các đoàn vận tải vũ khí từ Cam-pu-chia về Đồng Tháp. Tháng 6 - 1969, tại xã Thanh Mỹ, huyện Mỹ An, Tháp Mười, đoàn vận tải vũ khí của hậu cần Tỉnh đội mà Dũng được phân công phục vụ lọt vào ổ phục kích của địch. Dũng hy sinh trong chiến đấu, được đồng đội mai táng tại bờ bao 307 (người dân địa phương còn gọi là bờ bao bá hộ Kiệu) thuộc xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Kiến Phong. Cuộc chiến đấu gấp gáp, chiến tranh kéo dài, không ai chú ý làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho Nguyễn Văn Dũng.

Bà Phan Thị Giản, mẹ nuôi của Nguyễn Văn Dũng đã nhiều lần làm đơn đề nghị Huyện đội, Tỉnh đội xét làm thủ tục liệt sĩ cho con bà. Rất may mắn, bà đã tìm được ông Nguyễn Văn ẩn, sinh năm 1925, cán bộ quân nhu hậu cần Tỉnh đội Kiến Phong trong thời kỳ chống Mỹ, năm 1969 là người trực tiếp mai táng Nguyễn Văn Dũng. Bà tìm thêm được ông Nguyễn Văn Thọ, năm 1969 là Trưởng ban quản lý xưởng thuộc Phòng Hậu cần Tỉnh đội biết trường hợp hy sinh của Dũng, năm 2000 ông là thiếu tá Trưởng phòng Hậu cần Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp. Ông ẩn và ông Thọ viết giấy xác nhận nhân thân của các ông. Căn cứ vào trên chuẩn xét liệt sĩ, các ông đề nghị suy tôn đồng chí Nguyễn Văn Dũng là liệt sĩ. Trong hồ sơ, bà cũng nộp cả xác nhận của ông Sáu Phước, ông Bé Em, bà Tư Lan, ông Hai Lộ... là cán bộ hậu cần, là lãnh đạo và đồng chí của anh Dũng trong thời điểm anh hy sinh.

Nói thì nhanh, nhưng để tìm được người biết về trường hợp hy sinh của con nuôi, bà Giản đã mất 4 năm trời, từ năm 1997 đến năm 2001. Trong bốn năm ấy, khi thì Huyện đội bảo phải bổ sung hồ sơ, khi Tỉnh đội cũng nhắc nhở tương tự. Hồ sơ làm xong, năm 2000 bà lên cơ quan chính sách Tỉnh đội nộp. Năm 2001, bà đến hỏi thì Tỉnh đội nói đã chuyển về Huyện đội Cao Lãnh. Đến Huyện đội hỏi, Huyện đội trả lời không biết, rồi lại bảo bà làm lại hồ sơ. Là nông dân chân lấm tay bùn, thân già lọ mọ (chồng bà mất trước năm 1980), bà Giản lai phải hoàn tất thủ tục hồ sơ lần nữa cho người con nuôi để anh được công nhận là liệt sĩ. Cho đến nay, bà vẫn chờ, và cũng không hiểu tại sao anh Dũng con bà vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ?

Xót xa cho đồng chí của mình, Hội CCB xã An Bình đã gửi thư cho Báo CCB Việt Nam. Thư viết: Từ năm 1980 đến nay, Hội CCB và xã An Bình đã nhiều lần gửi cơ quan chính sách của Ban CHQS huyện Cao Lãnh, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, về trường hợp suy tôn anh Dũng là liệt sĩ, nhưng câu trả lời vẫn là chờ. Lần gần đây nhất, xã cử cán bộ lên Ban chính sách của Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp để trao đổi. Câu trả lời của Ban chính sách là không giải quyết, nhưng không nói rõ lý do.

Kèm theo thư gửi Báo CCB Việt Nam, Hội CCB xã An Bình cũng gửi biên bản cuộc họp đề nghị xác nhận liệt sĩ cho đồng chí Nguyễn Văn Dũng, của đại diện Đảng uỷ, UBND và các đoàn thể xã An Bình gửi các cấp có thẩm quyền ở Ban CHQS huyện Cao Lãnh và Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp.

Trong số giấy tờ hồ sơ gửi đến Báo CCB Việt Nam, có một chi tiết khiến người đọc đau lòng: Mộ đồng chí Nguyễn Văn Dũng tại bờ bao bá hộ Kiệu, xã Thanh Mỹ hiện nay đã bị mất, hài cốt cũng không tìm thấy, do địa phương phát triển kinh tế nhanh, không ai chú ý.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng hy sinh đã 40 năm vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Cụ Giản, mẹ nuôi anh Dũng năm nay cũng đã 82 tuổi. Chúng tôi viết những dòng này gửi đến các đồng chí có thẩm quyền ở Ban CHQS huyện Cao Lãnh, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp, mong các đồng chí sớm có kết luận chính thức trả lời công luận, để xã An Bình thêm phần bình an.

Đỗ Tất Thắng