Hoài Ân là một huyện trung du miền núi nằm ở phía bắc tỉnh Bình Định, gồm 15 xã, thị trấn, trong đó có 3 xã đồng bào dân tộc thiểu số và 6 xã có diện tích rừng khá lớn, lại nằm giáp ranh với nhiều huyện khác trong tỉnh. Theo số liệu của Hạt kiểm lâm (KL) Hoài Ân, toàn huyện có 42.993ha đất lâm nghiệp, trong đó đất có rừng 36.99ha, đất trồng rừng 16.194ha, với tốc độ che phủ của rừng đạt 45,3% diện tích đất tự nhiên.

Đặc biệt ở Hoài Ân có các tuyến đường liên huyện tiếp giáp với quốc lộ 1A là: Hoài Ân đi qua thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Hoài Ân xuống thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Nơi đây là các điểm tiêu thụ lâm sản trái phép mạnh nhất ở phía bắc tỉnh Bình Định. Trong khi đó lực lượng KL mỏng, phương tiện đi lại thiếu thốn nên công tác quản lý bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Lâm tặc lợi dụng điểm yếu nói trên để khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép trên địa bàn huyện.

Thực hiện Chỉ thị số 12/2003/TT-TTg; Chỉ thị số 8/2006-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép... lực lượng KL Hoài Ân đã quyết tâm bằng nhiều biện pháp để ngăn chặn và xử lý bọn lâm tặc. Nhưng thực tế “máu rừng vẫn còn chảy”. Tính từ đầu năm 2007, lực lượng KL Hoài Ân đã tổ chức 174 đợt thanh tra, kiểm tra ở các khu vực rừng xung yếu trên địa bàn; đã phát hiện tạm giữ 275 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 79 vụ mua bán, cất giấu, vận chuyển trái phép lâm sản; 6 vụ khai thác rừng trái phép và 173 vụ vi phạm khác. Qua xử lý, lực lượng KL đã tịch thu 127m3 gỗ các loại; 1.194kg than hầm, 98kg thịt động vật hoang dã, thu nộp ngân sách nhà nước 961 triệu đồng.

Điều đáng nói là ở Hoài Ân, “máu rừng vẫn chảy - máu người lại đổ”. Tình trạng lâm tặc chống đối lực lượng KL ngày càng diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, tổ công tác gồm 7 người của Hạt KL Hoài Ân đã bị nhóm lâm tặc 25 người tấn công tại khu vực giáp ranh giữa hai thôn Du Tự (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) và xóm Phú Nga, thôn Lại Khánh (xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn). Bọn lâm tặc dùng cây gậy, đá cuội đánh ném tới tấp làm 2 cán bộ KL bị đổ máu trọng thương phải đưa đến bệnh viện Hoài Ân cấp cứu. Vụ việc này đang được các ngành chức năng điều tra xử lý.

ở Hoài Ân, công tác đấu tranh chống lâm tặc hiện nay là một hành trình đầy gian nan vất vả. Muốn giữ cho các cánh rừng được bình yên, riêng lực lượng KL rất khó thực hiện. Để đấu tranh chống lâm tặc một cách hiệu quả, cần có một giải pháp đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành ở địa phương để người dân ý thức được việc cần thiết phải bảo vệ rừng... Có như vậy thì “máu rừng và máu người” ở Hoài Ân mới ngừng chảy.

Vũ Giáp