Cách đây mấy năm, Hội CCB TP đã có nhiều mô hình hay về phối hợp hoạt động giữa Hội CCB với Đoàn thanh niên tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ như “CCB đỡ đầu Đoàn thanh niên” ở quận 10, “Ba chi” ở quận 3 (xây dựng Chi bộ, Chi hội CCB, Chi đoàn thanh niên vững mạnh ở cơ sở), “Chi hội CCB ký kết liên tịch phối hợp hoạt động với Chi đoàn Thanh niên” ở quận 11, “CCB kể chuyện truyền thống cho Đoàn thanh niên” ở huyện Củ Chi…
Với mô hình “Hãy kể cho thanh niên nghe, hãy chứng minh cho đoàn viên hiểu về giá trị và ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay”, Hội CCB và Đoàn thanh niên huyện Củ Chi đã có những nội dụng phối hợp rất hiệu quả như “Đêm lửa trại trước ngày hội tòng quân”, gợi lại hình ảnh và chiến công của các anh hùng, liệt sĩ, đã hun đúc thêm nghĩa khí cho lớp trẻ hôm nay thi hành phận sự của mình. Cũng từ đó, nhiều năm qua, lớp lớp thanh niên của huyện hăng hái lên đường làm NVQS, khi trở về đều trưởng thành. Mới đây (đợt giao quân đợt 1 ngày 18-2-2014), Huyện hội Củ Chi đã tổ chức đêm giao lưu với gần 500 đoàn viên của 21 xã, thị trấn trong huyện. Phó chủ tịch Hội CCB huyện Tô Văn On xúc động kể lại câu chuyện cách đây 50 năm (khi mới nhập ngũ) cùng đồng đội phải đi trong đêm tối dưới làn đạn pháo, luồn qua đồn bốt địch, rồi chuyện đụng ổ phục kích mà nhiều chiến sĩ đã ngã xuống khi chưa kịp biên chế về đơn vị. Lời tâm sự bộc bạch ấy đã gây xúc động mạnh cho gần 500 đoàn viên trong đó có 200 thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ và tất cả những người có mặt trong buổi giao lưu.
Theo ông Tô Văn On, việc kể chuyện truyền thống, học tập các gương hi sinh dũng cảm của các anh hùng, liệt sĩ tại địa phương là mô hình hoạt động hiệu quả về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các buổi kể chuyện truyền thống, thăm quan các căn cứ địa cách mạng không chỉ dừng lại ở buổi nhập ngũ của thanh niên mà còn được diễn ra vào các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn của dân tộc, của thành phố và huyện Củ Chi…
Hội CCB quận 10 có mô hình “CCB làm Bí thư danh dự Chi đoàn thanh niên” không chỉ nhận được sự quan tâm của các Đoàn phường, mà còn được Hội CCB các quận, huyện khác trong TP nghiên cứu vận dụng. Để có cơ sở đánh giá hiệu quả thu được từ mô hình này, vừa qua, Hội CCB phường 14 đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và hiện nay mô hình này đã được nhân rộng trong 15 phường ở quận 10.
Chủ tịch Hội CCB quận 10 Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trong tình hình hiện nay, đa số đoàn viên và thanh niên ở khu phố (KP) thường rụt rè, khả năng giao tiếp còn hạn chế, kinh nghiệm công tác cán bộ Đoàn còn lúng túng; từ đó đẫn đến phong trào của Đoàn hoạt động chưa hiệu quả. Muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn, nhất là Chi đoàn khu phố, đòi hỏi cán bộ Đoàn phải luôn suy nghĩ và tìm tòi để đổi mới, đa dạng về hình thức, nội dung sinh hoạt; tránh sự nhàm chán, rập khuôn và phải phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Thực tế này cần có sự hỗ trợ, giúp sức của những người đi trước, có kinh nghiệm và đây là “thế mạnh” của lực lượng CCB tại địa phương. Do vậy, để “tiếp sức” và duy trì phong trào Đoàn ở khu phố, mô hình “Hội viên CCB làm Bí thư danh dự Chi đoàn thanh niên” thực sự có tác dụng.
Chủ tịch Hội CCB P.14 Phan Trọng Trường, chia sẻ: Với mô hình này, Hội CCB phường đã cử 12 hội viên của 12 Chi hội tham gia làm “Bí thư danh dự Chi đoàn” ở cả 12 Chi đoàn KP. Hơn một năm thực hiện, các chi đoàn KP từng bước được củng cố, nhiều nội dung sinh hoạt dần đưa vào nền nếp, số đoàn viên sinh hoạt duy trì thường xuyên từ 80% trở lên. Điều đáng mừng là hầu hết chi đoàn đã thể hiện được vai trò xung kích trong các phong trào, các cuộc vận động, thu hút được đông đảo sinh viên tạm trú tại địa phương tham gia. Trong năm 2013, Hội CCB còn kết hợp với Đoàn phường tổ chức các cuộc giao lưu, mời các hội viên CCB có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác kể chuyện truyền thống, tuyên truyền về ATGT, tìm hiểu về Hiến pháp 1992 bổ sung, sửa đổi; cảm hóa thanh niên chậm tiến…
Kết quả là vậy, nhưng cũng còn không ít khó khăn, vướng mắc như trong các buổi sinh hoạt, Bí thư Chi đoàn cứ chờ Bí thư danh dự “nhắc nội dung”, rồi sau vài câu dừng lại để “xin ý kiến”. Một vướng mắc khác là đại diện của Quận đoàn 10 cho rằng: “Muốn làm Bí danh dự chi đoàn phải làm làm thủ tục kết nạp “Đoàn viên danh dự”. Bởi vì Điều lệ Đoàn không có qui định “chức vụ” Bí thư danh dự Chi đoàn”.
Đa phần các ý kiến đóng góp cho các mô hình này đều có chung suy nghĩ: “Ký kết liên tịch giữa tổ chức Đoàn và tổ chức Hội CCB”, “Đỡ đầu chi đoàn” và tham gia làm “Bí thư danh dự” là xuất phát từ cái tâm của mỗi hội viên CCB, của tập thể lãnh đạo tổ chức Hội, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với thế hệ trẻ. Do vậy, các mô hình này cần có sự chung tay, đồng thuận hưởng ứng từ phía các cấp bộ Đoàn và chỉ đạo của cấp ủy Đảng ở địa phương. Tuy nhiên, nhiệm vụ của “Bí thư danh dự” là gợi ý, hướng dẫn chứ không thể làm thay, vì làm thay thì không còn ý nghĩa và phong trào Đoàn cũng không thể phát triển một cách bền vững.
Bài và ảnh:
Vĩnh Hữu