Bức thư Bác viết gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng đang lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đó là lời viết ra từ sâu thẳm lòng mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi chia buồn tới Bác sĩ Vũ Đình Tụng, khi Bác biết tin con trai út của bác sĩ là Vũ Đình Thành - Chiến sĩ tự vệ Thành Hà Nội, đã anh dũng hy sinh.
Buổi chiều trời rét cắt da, sau đêm Nô-en, ở Bệnh viện Bạc Mai vào lúc ông vừa mổ xong một ca thương binh, thì Bác sĩ Trần Duy Hưng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, trân trọng trao cho ông một bức thiếp của Hồ Chủ tịch. Mới đầu, ông cứ ngỡ là một mệnh lệnh của Người. Nhưng thật không ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác chia sẻ với mất mát của gia đình ông.
“Bì thư được Bác Hồ gấp bằng giấy báo cũ, mặt trước dán tờ giấy trắng, chữ viết tay, nét hơi run: Kính gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng" - Bác sĩ Vũ Đình Tụng kể.
Trong thư Bác viết: “Thưa ngài, tôi được báo cáo rằng con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.
Ngài biết rằng, tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước - thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.
Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 1-1947 Hồ Chí Minh”.
Sau đó, Bác sĩ Vũ Đình Tụng - một Giáo dân ngoan Đạo, từ một người thầy thuốc là Giám đốc Dưỡng đường và Trưởng khoa Giải phẫu thuộc phân khoa hỗn hợp Y dược, chuyên gia phẫu thuật tại Bệnh viện Thuộc địa (Hà Nội) đã tự nguyện theo Bác Hồ lên Chiến khu Cách mạng, vừa mở các khóa đào tạo mổ ngoại khoa dã chiến, vừa bồi dưỡng cho các chiến sĩ Quân y, mà chủ yếu là y tá và trực tiếp mổ cho các thương binh từ chiến trường chuyển về hậu cứ...
Đất nước giành được độc lập, Bác sĩ Vũ Đình Tụng được cử làm Bộ trưởng Bộ Thương binh Xã hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1947.
Năm 1973, Bác sĩ VũĐình Tụng đột ngột qua đời. Nhưng, trước khi mất vài tháng, Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai là Vũ Đình Tuân và dặn: "Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ".
Ngày 10-3-1985, ôngVũ Đình Tuân đã mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bức thư trở thành hiện vật quý hiếm, thể hiện chính sách Đại đoàn kết dân tộc đúng đắn của Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân; các dân tộc; tôn giáo; nhân sĩ trí thức... một lòng theo Đảng đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, với tinh thần “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc...” để giành lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc.
Phạm Nguyễn