Về huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi được nghe nhiều người nhắc đến CCB Đỗ Xuân Liễu, sinh năm 1941, ở khu 1, xã Tân Phương. Năm 1967, sau khi nhập ngũ, ông chiến đấu ở khắp các chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Cuối tháng 12-1969, trong Chiến dịch 179 ở trung Lào ông bị thương, mất 38% sức khỏe.
Năm 1972, ông Liễu xuất ngũ về đoàn tụ với gia đình. Kể từ đó cũng là thời gian ông bắt đầu đối diện với những khó khăn, vất vả. Nhưng với ý chí của người lính, ông đã tìm cách khắc phục khó khăn, từng bước vượt lên đẩy lùi đói nghèo và bệnh tật. Hiện ông là Giám đốc doanh nghiệp Thành Phương, chuyên khai thác, tận thu, chế biến khoáng sản, vận tải thủy.
Năm 1992 được bạn bè, đồng đội giúp đỡ, ông bàn với vợ vay vốn ngân hàng mua 3 chiếc tàu sông thanh lý có trọng tải 150 tấn để khởi nghiệp với mong muốn thoát nghèo. Trong 10 năm làm nghề chuyên chở cát sỏi, vật liệu xây dựng, 3 chiếc tàu cũ, nhỏ, lạc hậu của ông không đủ khả năng cạnh tranh với các tàu mới có công suất lớn, nên phạm vi vận chuyển, buôn bán chủ yếu trên địa bàn trong tỉnh. Bởi vậy mà lãi hằng năm chỉ đủ chi trả cho 12 nhân công và sửa chữa, gia cố tàu.
Không nản chí, ông nhận thấy trên địa bàn có mỏ cao lanh với trữ lượng lớn, mà một số ngành công nghiệp đang cần nên năm 2000, ông xin UBND tỉnh cho phép khai thác mỏ cao lanh với diện tích 2,57ha thuộc địa bàn xã Dị Nậu, huyện Tam Nông.
Đến năm 2002, ông thành lập Công ty Thành Phương. Những ngày đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh doanh, sản phẩm khai thác bán cho các bạn hàng chưa qua tinh chế nên doanh thu mới đủ trả tiền thuê máy, thuê nhân công khai thác, còn lãi mỗi năm chỉ đạt trên 100 triệu đồng.
Ngoài việc khai thác cao lanh và kinh doanh vận tải thủy, năm 2006 ông Liễu còn đầu tư, xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu, qua đó đã tạo ra lợi ích kép, không chỉ thu lãi trong buôn bán, kinh doanh mà còn chủ động được nguồn cung cấp nhiên liệu và giảm chi phí giá thành cho hàng chục chiếc đầu máy xe tải, máy súc, tàu sông hoạt động trong quá trình khai thác, vận chuyển cao lanh và hàng hóa.
Để nâng cao chất lượng hàng hóa, khả năng cạnh tranh, năm 2011 ông thế chấp tài sản của mình vay ngân hàng thêm 5 tỷ đồng mua thêm máy móc, xe tải phục vụ khai thác; đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt hệ thống sàng lọc, chế biến cao lanh thành phẩm, tạo thành dây chuyền khép kín từ khâu khai thác, vận chuyển, sản xuất, chế biến và đóng gói chuyển giao tới các bạn hàng trong nước. Do có sự tính toán, đầu tư đúng hướng nên doanh nghiệp của ông hoạt động ngày càng hiệu quả, khẳng định được vị thế, uy tín về chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Nhờ vậy mà chưa đầy 3 năm, ông đã trả hết nợ ngân hàng. Đến nay, doanh nghiệp của ông luôn duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả, tạo được chữ tín với khách hàng.
Chỉ tính riêng việc khai thác, sản xuất và tiêu thụ cao lanh, bình quân mỗi tháng doanh nghiệp của ông đạt khoảng 500 tấn, tổng doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho gần 50 lao động địa phương, trong đó con em CCB chiếm trên 80%, mức lương từ 3,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Doanh thu nộp ngân sách Nhà nước mỗi năm một tăng, từ 600 triệu đồng năm 2012 lên 1,2 tỷ đồng năm 2013; đồng thời góp phần tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm từ thiện, tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, mỗi năm gần 100 triệu đồng.
Sau gần 5 năm vật lộn trên chiến trường, 20 năm khó khăn vất vả với cuộc sống mưu sinh, 20 năm lăn lộn tạo dựng cơ nghiệp, ông Đỗ Xuân Liễu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để rồi đến nay, ở tuổi 75 ông đã tạo dựng được một Công ty hoạt động hiệu quả, một cơ ngơi bề thế. Song điều quan trọng hơn cả là Công ty đã góp phần cùng với địa phương xóa đói, giảm nghèo.
Sản phẩm cao lanh của công ty ông đã được Hội Đo lường và bảo vệ người tiêu dùng đánh giá và chứng nhận chất lượng sản phẩm, dịch vụ đủ tiêu chí cạnh tranh và được bình chọn trong top 100 doanh nghiệp sản xuất và chế biến cao lanh tiêu biểu của cả nước. Với thành công đó, ông đã được các cấp Hội tặng nhiều bằng khen, giấy khen và kỷ niệm chương các loại. Đặc biệt, năm 2013, ông vinh dự là một trong 120 đại biểu cả nước về Thủ đô Hà Nội dự Lễ tôn vinh doanh nghiệp - doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh và được nhận Bảng vàng lưu danh “Doanh nhân văn hóa thời đại Hồ Chí Minh” của Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam...
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc San-Chủ tịch Hội CCB huyện Thanh Thủy cho biết: Ông Liễu không những là một thương binh, nạn nhân chất độc da cam giàu nghị lực, biết vươn lên làm giàu chính đáng; ông còn là hội viên CCB gương mẫu, luôn đi đầu trong các phong trào của Hội và địa phương, là tấm gương sáng để hội viên CCB học tập, noi theo.

Vũ Viết Dương