Những “dự án… khủng”!
VQG Ba Vì có tổng diện tích rộng khoảng 10.814ha, nằm trên địa giới hành chính 3 huyện của TP Hà Nội và 2 huyện của tỉnh Hòa Bình, cách trung tâm Thủ đô 60km về phía tây. Những năm qua, khu vườn này được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển du lịch nên đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư làm du lịch sinh thái (DLST). Nổi lên trong số đó phải nói đến Công ty CP tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) do ông Phùng Văn Hệ là Chủ tịch HĐQT, Công ty công nghệ Việt Mỹ của Việt kiều Mỹ Đinh Đức Hữu có diện tích chiếm đất khá lớn.
Cụ thể, đối với Công ty Bình Minh, năm 1999 tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt dự án khu Du lịch Thiên Sơn Thác Ngà rộng tới 450ha, lấn vào cả 433,25ha lâm phần đất của VQG Ba Vì đang quản lý đã giao cho các hộ dân nhận khoán BVR. Còn đối với Công ty công nghệ Việt Mỹ cũng vậy. Tỉnh Hà Tây (cũ) giao cho đơn vị này cả gần trăm héc-ta để làm DLST. Những tưởng việc quy hoạch khu Du lịch Thiên Sơn Thác Ngà tỉnh Hà Tây đã xin ý kiến của Bộ NN và PTNT nhưng hoàn toàn không có.
Năm 2003, Đề án thí điểm sử dụng môi trường rừng đặc dụng để phát triển DLST vào giáo dục hướng nghiệp tại VQG Ba Vì được triển khai, thì hai doanh nghiệp này cũng là những đơn vị tiên phong trong việc thuê môi trường rừng ở VQG Ba Vì. Đề án ra đời nó như “cơn mưa” lớn “chữa cháy” cho việc quy hoạch chồng lấn của tỉnh Hà Tây.
Theo đó, ngày 26-6-2003, Bộ NN và PTNT có Văn bản số 1633/CV/BNN-KL phê duyệt phương án cho Công ty Bình Minh thuê 252ha môi trường rừng đặc dụng để phát triển du lịch. Đồng thời trong tháng này cũng ký luôn cho cho Công ty công nghệ Việt Mỹ thuê 71ha môi trường rừng, thuộc phân khu phục hồi sinh thái VQG Ba Vì...
Gần đây, đầu năm 2014, tiếp tục một đơn vị quân đội được Bộ NN và PTNT cho vào thuê 200ha môi trường rừng ở khu vực Da Dê (nằm ở độ cao cos 300 đến 707m)…
Ông Nguyễn Phi Truyền-Giám đốc VQG Ba Vì cho biết, sau đề án thí điểm thực hiện việc cho thuê môi trường rừng, đến năm 2008, chính thức áp giá thu phí môi trường rừng đối với các đơn vị. Cụ thể, Công ty công nghệ Việt Mỹ cho thuê 400.000 đồng/1ha, Công ty Bình Minh và Công ty hóa dầu Quân đội-MIPEX cho thuê 500.000đồng/1ha. Hiện dự án Khu du lịch Thác Đa curủa Việt kiều Mỹ Đinh Đức Đữu “chết yểu” - đây là bất khả kháng nên xét về mặt cho thuê môi trường rừng là không hiệu quả…
Cũng theo ông Truyền, đến hết năm 2012, số tiền thu được từ việc thuê môi trường rừng mới đạt gần 700 triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay chưa thu được đồng nào của các doanh nghiệp…

Du lịch èo uột, người dân lo sợ mất đất, mất rừng
Trong khi nợ tiền phí môi trường rừng chồng chất, có dự án phá sản… thì gần đây, Báo điện tử Gia đình và Xã hội còn đăng phóng sự ảnh về khu du lịch Thác Đa hoang phế, tàn tạ, trâu bò vào ra tự do; khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà hoạt động cầm chừng, khách viếng thăm thưa thớt, vắng tanh… Nhưng có lẽ dường như “lòng tham” của doanh nghiệp là không bờ bến?
Thực tế, sau 8 năm, kể từ khi đề án cho thuê môi trường rừng và dự án du lịch của các doanh nghiệp được triển khai, nhiều hộ dân nhận khoán BVR với VQG Ba Vì đã phải nhường lại tán rừng cho các doanh nghiệp thuê làm DLST. Thế nhưng, dù đã có 252ha nhưng vào năm 2010, Bộ NN va PTNT và UBND TP Hà Nội còn tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chuyển giao 30,3ha rừng đặc dụng dưới cos 100 thuộc xã Vân Hòa, huyện Ba Vì về VQG Ba Vì quản lý để tiếp tục cho Công ty Bình Minh thuê môi trường rừng đặc dụng, phát triển kinh doanh du lịch sinh thái gắn với khu du lịch Thiên Sơn Thác Ngà. Đến năm 2012 tiếp tục được điều chuyển diện tích tăng lên 39,9ha.
Điều đáng nói không biết đây là chủ ý hay vô tình, vì trong số 39,9ha điều chuyển này dựa trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp và trên diện tích có 7 hộ dân, gia đình CCB đã ký hợp đồng nhận khoán BVR, gây trồng rừng theo Nghị định 01/CP của Chính phủ. Số diện tích người dân nhận khoán thực tế cũng lớn hơn 39,9ha cho Công ty Bình Minh thuê, trong đó tính riêng hộ gia đình cựu quân nhân Phùng Đức Việt (trú tại thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa) nhận khoán đã là 13,6ha, hộ gia đình bà Ngô Kiều Oanh (chủ Trang trại Đồng Quê) là 27,8ha…
Theo ông Việt thì từ khi biết được chủ trương thanh lý Hợp đồng khoán BVR để cho Công ty Bình Minh thuê môi trường rừng, gia đình ông như ngồi trên đống lửa bởi hơn 13ha rừng luôn là nguồn nuôi sống gia đình ông trong thời gian qua…
Còn CCB Trần Nguyệt và một số cổ đông Công ty Sannamfood thì lo ngại vùng nguyên liệu mơ và rau rừng rộng hàng chục hécta trên diện tích nhận khoán BVR sẽ bị mất trắng, kéo theo đó nguyên liệu phục vụ cho nhà máy Thực phẩm Sannamfood và Nhà máy rượu mơ Núi Tản không có sẽ làm cho nhà máy phải dừng hoạt động và hàng chục lao động bà con dân tộc Mường đang làm việc tại đây có nguy cơ bị thất nghiệp theo. Nhưng điều quan ngại hơn, là việc cho thuê môi trường rừng trong phạm vi này sẽ còn xảy ra hiện tượng đất rừng của các hộ dân đang nhận khoán BVR ở khu vực phía trên bị cô lập, không còn đường đi lên khi đó kiện tụng chắc chắn lại xảy ra…

Doanh Chính