Từ những khuất tất
Ngày 9-6-2008 UBND xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh nay là UBND phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh ra Thông báo số 22/TB-UBND, thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ), gồm 6 lô nằm cạnh hành lang quốc lộ 1A thuộc khu vực thượng cầu Bàu Tương thôn Liên Phú xã Kỳ Liên, trong đó có 2 lô với diện tích 421m2 thuộc quyền sở hữu của ông Trần Thái Sơn (GCN số 447 QSDĐ của ông Sơn được UBND huyện Kỳ Anh cấp ngày 20-12-1996 với diện tích 1001m2).
Điều hết sức vô lý là thông báo này lại ban hành trước khi Phòng Tài nguyên môi trường (TNMT) huyện Kỳ Anh công bố sơ đồ quy hoạch dân cư vùng thượng cầu Bàu Tương vào ngày 11-6-2008. Hơn nữa, sơ đồ quy hoạch cũng không được coi là hợp lý vì không có con dấu của UBND huyện Kỳ Anh mà chỉ có dấu và chữ ký của Phòng TNMT, Phòng Hạ tầng cơ sở huyện Kỳ Anh và UBND xã Kỳ Liên. (Ông Trần Bá Song nguyên Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cũng thừa nhận không hề biết việc này).
Nhằm hợp thức hóa bất chính dưới vỏ bọc bán đấu giá, chính quyền xã Kỳ Liên đã ngang nhiên lập sơ đồ đất ở khu dân cư ngay trên phần diện tích đất vườn và sản xuất liền kề của ông Sơn, rồi bày ra chiêu “chiếu cố” cho ông Sơn được ưu tiên đấu giá nhằm mục đích luồn người nhà của mình đấu giá 5 lô còn lại, khi mà đất đai ở đây bắt đầu thành “đất vàng”. Tuy vậy, ý đồ bất thành, bởi trong thời gian đó ông Sơn đang sinh sống ở nước ngoài, họ đến vận động ông Trần Điều (bố đẻ của ông Sơn là một CCB) mua hồ sơ đấu giá cho con để được ưu tiên đấu giá một lô nhưng ông Điều không đồng ý.
Không những đưa ra chiêu thức “chiếu cố”, đích thân Võ Văn Phương- phụ trách địa chính xã còn tự tay viết ra bản cam kết lấy tên ông Trần Thái Sơn với nội dung là ông Sơn nhất trí theo chủ trương, không kiện cáo sau này. Để thực hiện trót lọt, lợi dụng lúc chập tối, ông Võ Văn Phương đã đến nhà đề nghị ông Điều ký vào tờ giấy. Nhưng việc làm mờ ám của vị “công bộc” này không qua được con mắt của ông già Trần Điều nên ông không ký.
Trao đổi với chúng tôi về tờ giấy cam kết trên, ông Nguyễn Hồng Cương-Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên cũng khẳng định: “Nét chữ trong giấy cam kết là của ông Võ Văn Phương”. Không còn cách nào khác ông Võ Văn Phương phải thừa nhận tờ giấy trên là do mình thảo và tự tay viết ra.

Hết sai này đến sai khác
Câu chuyện 7 năm trước tưởng chừng khép lại, và sau khi về nước ông Sơn cũng không hề quan tâm mà chỉ tập trung vào tổ chức sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế. Thậm chí, đến ngày 21-2-2014 ông Sơn được UBND huyện Kỳ Anh cấp lại cho ông GCN-QSD đất gồm 277,5m2 đất ở, dựa trên phần diện tích đất ở trong GCN-QSD đất số 447 là 300m2 do một phần diện tích bị thu hẹp sau khi các tuyến đường khối phố được mở rộng. Trong lúc đó, 701m2 đất sản xuất và 100m2 đất vườn liền kề còn lại trong GCN-QSD đất số 447 mà UBND huyện Kỳ Anh chưa đổi GCN-QSD đất cho ông do giai đoạn đó xã Kỳ Liên chuẩn bị chuyển lên phường nên huyện chưa đưa phần diện tích sản xuất và đất vườn liền kề này vào bìa đất cho ông vì chờ sắp xếp lại loại đất sau khi thành lập phường.
Không hay biết được những âm mưu đó, đến giữa năm 2015 ông Sơn bắt đầu cho cơi nới làm ki ốt nhà hàng trên phần đất của mình thì không ngờ bị chính quyền phường Kỳ Liên đến đề nghị tháo dỡ, với lý do đó là đất công ích. Bất bình trước hành vi của chính quyền phường, ông Sơn mang GCN-QSD đất số 447 của mình đến gặp ông Nguyễn Hồng Cương-Chủ tịch UBND phường chỉ rõ vị trí lô đất ông sử dụng thì được ông Cương nói, đó là đất sản xuất từng giao cho ông Sơn nhưng đã được xã Kỳ Liên hoán đổi chia lại cho ông ở xứ Ba Mảng theo chủ trương chia lại ruộng đất sản xuất cho dân của HĐND, do sau khi Kỳ Liên không thể thực hiện được chủ trương “dồn điền đổi thửa” của UBND tỉnh, vì đặc thù địa hình phức tạp của địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Cương giải thích: Trong quá trình ông Sơn đi làm ăn ở nước ngoài, năm 2008 xã Kỳ Liên đã chia lại ruộng đất cho dân, trong đó có hộ ông Sơn gồm 3 nhân khẩu, 2 lao động trong độ tuổi được chia 700m2 tại xứ Ba Mảng. Tuy vậy, sau khi đất được chia cho dân ổn định thì Nhà nước lại ra quyết định thu hồi để bàn giao mặt bằng cho Dự án Formosa. Và ngày 27-12-2008 ông Trần Điều (bố ông Sơn) đã đến trụ sở xã ký nhận hơn 24 triệu đồng tiền bồi thường đất sản xuất cho ông Sơn.
Khuất tất ở chỗ là việc ông Sơn được chia đất sản xuất ở xứ Ba Mảng nhưng hoàn toàn ông Sơn không hề hay biết. Và không những ông Sơn mà ngay cả nhiều người dân khác ở Kỳ Liên sau khi được gọi lên nhận tiền bồi thường của Dự án Formosa cũng hết sức bất ngờ. Phải chăng, chính quyền xã Kỳ Liên thời điểm đó đã mượn hộ khẩu của người dân khai khống thêm khoản nào đó để ăn tiền của Dự án? Đây đang là câu hỏi khiến dư luận hết sức quan tâm, bởi gần đây một số vụ việc tương tự tại các xã tái định cư Khu kinh tế Vũng Áng đã được đưa ra ánh sáng.
Liên quan đến việc này chính ông Trần Bình Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Kỳ Liên cũng thừa nhận có khai man một số hạng mục để lấy tiền xây công trình cổng xóm. Tuy nhiên, theo điều tra bước đầu của phóng viên sai phạm ở đây lên hàng tỷ đồng.

Thị xã đá bóng, phường thổi còi!
Liên quan đến sự việc này, chúng tôi đã gặp ông Phạm Tiến Hùng, cán bộ Phòng TNMT thị xã Kỳ Anh, đồng thời là người từng tham gia vẽ sơ đồ quy hoạch đất dân cư tại khu vực thượng cầu Bàu Tương để tìm hiểu, được ông Hùng cho biết: Đúng là vào năm 2008 phòng TNMT huyện Kỳ Anh đã phối hợp cùng phòng Kinh tế hạ tầng và xã Kỳ Liên lập sơ đồ quy hoạch khu dân cư tại khu thượng cầu Bàu Tương xã Kỳ Liên, nhưng không thực hiện được. Hiện nay thị xã không liên quan đến quy hoạch vùng này, mà quyền thực hiện thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đóng tại Vũng Áng.
Được biết, hiện tại toàn bộ diện tích đất vườn và đất sản xuất liền kề đất ở trong GCN-QSD đất số 447 được UBND huyện Kỳ Anh cấp cho ông Trần Thái Sơn năm 1996 đang được BQL KKT Hà Tĩnh lập quy hoạch chi tiết trên đó, để bàn giao cho Dự án Văn phòng giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh (chi nhánh Vũng Áng). Trong đó, mặt tiền: 23m; chiều sâu: 23,8m, trừ mép đường quốc lộ 1A: 23m.
Theo đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng thì quy hoạch không liên quan tới việc bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngược lại nếu trước khi quy hoạch mà chính quyền địa phương và Ban GPMB kết hợp tốt với Ban thì sẽ giảm thiểu được những vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình GPMB, đặc biệt có thể tránh được việc bồi thường nếu có.
Còn ông Sơn cũng tâm sự rằng: Nếu dự án được triển khai ông sẵn sàng ủng hộ, nhưng chính quyền địa phương phải thừa nhận quy hoạch dự án nằm trên diện tích đất của ông để ông được bồi thường xác đáng. Đáng tiếc, chủ tịch UBND phường Kỳ Liên không đưa ra được câu trả lời xác đáng nào, ngược lại còn đề nghị ông Sơn ra tòa khởi kiện các vị tiền nhiệm.
Anh Thi-Ngọc Vượng