Hành động của Trung Quốc tiếp tục bị dư luận quốc tế chỉ trích. Các Bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhóm họp tại Lào ngày 27-2 đồng bày tỏ quan ngại “Việc cải tạo đất và các hoạt động leo thang đã làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn thương đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-Gen Nakatani ngày 26-2 không loại trừ khả năng Trung Quốc lập ADIZ, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế thực hiện hành động có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và ổn định ở Thái Bình Dương. Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ-Đô đốc Harry Harris nhận định, Trung Quốc “Đang làm thay đổi môi trường hoạt động” ở Biển Đông bằng việc triển khai các tên lửa phòng không và hệ thống radar tại đây, như một phần của nỗ lực nhằm giành ưu thế quân sự ở khu vực Đông Á. Ông cũng tuyên bố sẽ cân nhắc điều tàu ngầm và tăng cường thêm khu trục hạm tới Biển Đông để răn đe hành động quân sự hóa khu vực quần đảo Trường Sa. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ tại Ủy ban quân lực Thượng viện-Jack Reed đánh giá: Rõ ràng Trung Quốc không hề có ý định đóng vai trò là “một bên có trách nhiệm” tại châu Á-Thái Bình Dương. Báo Toàn cảnh Frankfurt (Đức) cho rằng với hành động mới này, chính quyền Bắc Kinh đã tạo những nhân tố mới trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Những diễn biến gần đây ở khu vực Biển Đông, đặc biệt là tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cho thấy nguyên trạng của khu vực đang bị phá vỡ, đặc biệt là tình trạng quân sự hóa ở Biển Đông. Đây là những diễn biến hết sức đáng lo ngại, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không tại khu vực. Trung Quốc cần có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC.
Nguyễn Đăng Song