Đại tá, Anh hùng LLVTND Hoàng Đăng Vinh là 1 trong 4 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đồng chí Tạ Quốc Luật - Đại đội trưởng Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, đã trực tiếp bắt sống toàn bộ Bộ tham mưu của quân đội Pháp và tướng Đờ Cát vào chiều ngày 7-5-1954. Bảy mươi năm trước, trong lần sinh nhật thứ 64 của Bác Hồ (19.5.1890 - 19.5.1954), ông vinh dự là 1 trong 5 chiến sĩ được gặp Bác để báo cáo thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng trong đoàn chiến sĩ được lên gặp Bác, ông kể: “Có chiến sĩ Bạch Ngọc Giáp ở Đại đoàn Công pháo 351, Đại đội trưởng Đại đội 397 Lê Thế Nhân; chiến sĩ Nguyễn Quang Thuận ở Trung đoàn pháo cao xạ, đồng chí Sáng và tôi. Tôi nhớ rất rõ là trước hôm sinh nhật Bác mấy ngày, cả 5 anh em chúng tôi được xe ô tô chiến lợi phẩm đưa đến cơ quan Tổng cục Chính trị. Cứ tưởng sau những ngày đi đường mệt mỏi, lại được ăn uống, bồi dưỡng đầy đủ thì đêm về sẽ ngủ ngay được, nào ngờ suốt đêm cả 5 anh em chúng tôi thao thức đến tận gần sáng vẫn không tài nào chợp mắt được.
Trong lúc cả 5 anh em buông màn đi ngủ nhưng vẫn trằn trọc thì thào to nhỏ, tôi bỗng thấy một cụ già đi vào nhưng tôi không biết đó là Bác Hồ. Cụ giắt lại màn cho các chiến sĩ rồi lặng lẽ đi ra. Bấy giờ tôi mới dám ngồi dậy và thổ lộ: Này các anh ơi! Có một cụ già vừa vào giắt màn cho chúng mình đấy, thế là tất cả đều choàng tỉnh dậy và mới vỡ lẽ: Bác Hồ đấy! Chúng tôi định ùa theo nhưng Bác đã giơ tay ra hiệu và nói: “Biết các chú về nhưng Bác bận nên bây giờ mới đến thăm các chú một chút, các chú cứ ngủ đi cho khỏe”. Chúng tôi quay lại giường mà vẫn thì thào với nhau: Không biết ngày mai được gặp Bác Hồ, anh em mình sẽ báo cáo với Bác như thế nào nhỉ? Thấy vậy đồng chí phụ trách nhắc nhở:
- Các đồng chí cứ ngủ đi, sáng mai chúng ta sẽ bàn bạc cụ thể!
- Vậy đồng chí phụ trách là ai? Tôi hỏi! Ông Vinh trả lời:
- Đó là đồng chí Hoàng Cầm, lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, là người được giao nhiệm vụ phụ trách anh em chúng tôi và đi cùng chúng tôi từ Điện Biên Phủ qua đường 46, đường số 6 rồi về căn cứ ở Tuyên Quang.
- Như vậy ngồi trên xe từ Điện Biên Phủ về Tuyên Quang có tất cả mấy người? Tôi hỏi.
- Ông Hoàng Đăng Vinh cho biết:
- Trên xe có đồng chí Hoàng Cầm, 5 anh em chúng tôi và lái xe, tất cả 7 người!
Khi đến căn cứ được gặp Bác Hồ và được chụp ảnh thì chỉ có 5 anh em chúng tôi, còn đồng Hoàng Cầm đã báo cáo với Bác qua điện thoại, sau đó phải quay trở lại nhận nhiệm vụ gấp nên không ở lại cùng anh em chúng tôi, do vậy trong ảnh chỉ có 5 chiến sĩ được chụp ảnh với Bác, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo thành tích trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác hỏi đồng chí Nguyễn Chí Thanh:
- Các chiến sĩ Điện Biên lập công xuất sắc có được thưởng Huân chương không?
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh trả lời: Thưa Bác tất cả đều được thưởng ạ!
Bác nói ngay: Vậy các chú đứng thành hàng ngang để Bác gắn Huân chương và Huy hiệu của Bác nào!
Năm anh em chúng tôi xếp thành một hàng ngang ngay ngắn; rồi Bác đứng dậy lấy Huy hiệu, còn chúng tôi đứng nghiêm chờ đợi. Trong số những người được thưởng, tôi vinh dự là người được đứng gần Bác nhất nên đã được Bác gắn Huy hiệu trước. Thoáng nhìn mái tóc bạc và nghe hơi thở của Người, tôi thấy Bác vô cùng gần gũi; tim tôi đập dồn dập khi bàn tay của Người gắn tấm Huy hiệu mang hình ảnh của Người lên ngực áo mình, tôi cứ đứng ngây ra; thấy vậy Bác nhắc:
- Chú Vinh chào đi chứ !
Tôi vội vàng làm theo lời Bác, các đồng chí đứng ở trong hàng cũng làm theo, nhưng động tác chào của tôi chậm nhất và có lẽ vụng về nhất. Lý do thật đơn giản vì sau 2 năm nhập ngũ, tôi đã được học chào khi nào đâu, chỉ nhìn các đồng chí cấp trên chào nhau rồi bắt chước.
Sau khi gắn Huy hiệu cho chúng tôi, Bác nói:
- Bác và các đồng chí T.Ư rất bận, các chú còn phải làm việc, vì vậy cho Bác gửi lời thăm hỏi sức khỏe các cô, các chú thương binh, cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Chú nào đạt được nhiều thành tích, Bác sẽ khen thưởng tiếp.
Bác tạm biệt chúng tôi trong nỗi niềm bâng khuâng da diết. Nửa đêm được nhìn thấy Bác mà chưa được gặp, đây là lần đầu tiên được trực tiếp gặp Bác Hồ, tôi cứ đinh ninh mãi lời dạy của Người là: “Chiến thắng nhưng không bao giờ được chủ quan khinh địch”, đó cũng chính là bài học cho mỗi cán bộ, chiến sĩ trong QĐND Việt Nam”.
Được gặp Bác Hồ lúc nửa đêm và được Người trực tiếp gắn Huy hiệu cho mình có lẽ là những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời quân ngũ của CCB Hoàng Đăng Vinh.
Đại tá Hoàng Đăng Vinh sinh năm 1935, quê ở huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, nhập ngũ tháng 2-1952 vào Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ… Năm 1990, sau gần 40 năm phục vụ trong Quân đội, ông nghỉ hưu về cư trú tại Khu phố Công Binh, phường Vũ Ninh, T.P Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Về với cuộc sống đời thường, ông liên tục tham gia công tác xã hội, làm Chủ tịch Hội CCB T.P Bắc Ninh hai khóa liên tục. Ngày 10-8-2015, ông vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông mất ngày 22-10-2019, hưởng thọ 85 tuổi và là người cuối cùng trong số những người đã bắt sống tướng Đờ Cát tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 về cõi vĩnh hằng.
Trần Vọng (Ghi theo lời kể của AHLLVTND Hoàng Đăng Vinh)