Nhập ngũ tháng 2-1978 vào Trung đoàn 118, Sư đoàn 345, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hoàn thành nghĩa vụ về quê hương, gia đình ông rất khó khăn: nhà nghèo, bố mẹ già, các em còn nhỏ. Sau khi lập gia đình với bà Lê Thị Mai, hai vợ chồng ông đi mua lợn về mổ, lấy thịt ra chợ bán, kết hợp làm 4 sào ruộng khoán. Ông áp dụng KHKT, mỗi năm thu được 1,4 tấn thóc, trừ chi phí, lãi được 4,2 triệu đồng.Mấy năm sau, ông chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm với 4 ô chuồng, mỗi ô rộng 10m2, nuôi theo phương pháp gối lứa, trong chuồng thường xuyên có 20 đến 30 con lợn thịt, mỗi con 80kg. Kết hợp nuôi công nghiệp đảm bảo kỹ thuật từ chọn giống, tiêm phòng dịch bệnh, chế độ dinh dưỡng, đàn lợn tăng trọng nhanh. Mỗi năm xuất chuồng 4 tấn thịt, trừ chi phí, lãi 30 triệu đồng.
Với nghị lực vượt khó, cần cù lao động, chăm lo phát triển kinh tế gia đình, năm 2013, CCB Phạm Trọng Sinh đầu tư 100 triệu đồng chuyển sang chăn nuôi bò sinh sản. Từ diện tích đất mặt bằng, ông thiết kế xây dựng chuồng trại thoáng, sạch sẽ, mùa hè mở mát, mùa đông ấm. Hằng ngày ông đều vệ sinh chuồng trại, định kỳ 6 tháng tiêm phòng dịch bệnh. Ông đầu tư mua 5 con bò nái, chăn dắt mỗi năm đẻ thêm 5 bê con, khi lớn bán 15 triệu đồng/con. Hiện nay, ông có đàn bò 10 con, trong đó có 5 bò mẹ đang mang thai chuẩn bị sinh sản. Nhờ kết quả lao động, trừ chi phí, thu nhập của gia đình 60 triệu đồng/năm. Làm kinh tế hiệu quả, ông bà còn chu đáo việc học hành cho 2 con trai, nay cả hai con đều có công ăn việc làm ổn định. Ông xây được nhà khang trang, đồ dùng tiện nghi sinh hoạt đầy đủ. Gia đình ông là “Gia đình văn hóa”, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và tích cực tham gia công tác từ thiện ủng hộ các quỹ người nghèo.
Năm 2015, Đài truyền hình tỉnh Phú Thọ tuyên truyền mô hình chăn nuôi bò sinh sản và kinh nghiệm làm kinh tế giỏi của gia đình ông cho toàn tỉnh tham khảo. CCB Phạm Trọng Sinh là gương “Người tốt việc tốt” của địa phương, xứng đáng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới.
Bài và ảnh: Đào Quang Trí