CCB Hoàng Xuân Thuận kế:
Người đồng đội của tôi là Hoàng Xuân Thanh, tính tình thùy mị hiền lành rất hợp với tên gọi và chữ đệm như tên con gái. Anh hay làm thơ, viết văn, viết nhật ký và là cây văn nghệ của đơn vị. Năm 1971, đang là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khi chiến trường miền Nam diễn ra ác liệt, Thanh cùng nhiều sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường ra trận.
Thanh được bổ sung về tiểu đội tôi từ khi đơn vị ở Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau đó cùng nhau vượt vĩ tuyến 17 vào Cam Lộ, Quảng Trị rồi hành quân, chiến đấu dọc tuyến đường Trường Sơn… Có thể nói, “duyên số” đã sắp đặt hai đứa chúng tôi luôn được ở bên nhau. Chung những kỷ niệm, hút cùng điếu thuốc, cùng đọc lá thư nhà…
Người yêu của Thanh là Hà Kim Lan. Lá thư gần nhất Kim Lan gửi từ Trường trung cấp Thương nghiệp Thái Nguyên. Cuối thư Kim Lan viết mấy câu thơ trong bài “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi:
“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây…”.
Hồi ấy thư của người thân từ miền Bắc gửi vào thường phải hai, ba tháng mới đến nơi; còn bộ đội chúng tôi những lá thư gửi không có tem, chỉ ghi trên góc phong bì “Chiến trường không tem” và số hòm thư đơn vị, nhưng vẫn đến tay người nhận.
Trước ngày hành quân vào chiến dịch mùa Xuân 1975, Thanh viết thư cho Kim Lan có đoạn: “Ngày mai anh hành quân vào mặt trận, em cứ yên tâm học tập cho thật tốt, ngày chiến thắng anh sẽ về lại trường đại học và anh sẽ cưới em, chúng mình chờ nhau nhé em thương yêu”...
Toàn Trung đoàn vào trực chiến đấu cấp I, các trận địa pháo, đài đã thiết bị xong. Tôi và Thanh cùng Tổ đài nhận lệnh lên đỉnh núi ĐM lập Đài quan sát. Lúc này ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, địch mất Quảng Trị, rút vào phòng thủ Huế. Nhận lệnh cấp trên, Tiểu đoàn chúng tôi kéo pháo vượt cửa tử ra đồng bằng để yểm trợ cho bộ binh tấn công giải phóng thành phố. Địch phát hiện trận địa của ta, chúng pháo kích dữ dội, khiến nhiều đồng chí bị thương và hi sinh. Chiều 22-3-1975, Tiểu đoàn yêu cầu Đài quan sát điều một chiến sĩ thông tin xuống trận địa thay cho chiến sĩ bị thương. Cả tôi và Thanh đều xung phong nhận nhiệm vụ, cuối cùng Tiểu đoàn trưởng quyết định để Thanh đi. Lúc chia tay, Thanh đưa cho tôi một chiếc khăn mùi xoa thêu hai chữ “Kỷ niệm” và đôi chim bồ câu cặp mỏ vào nhau, một tấm ảnh nhỏ phía sau ảnh ghi: “K.N anh 20-12-1971”- Hà Kim Lan”, nhờ tôi giữ hộ và dặn: “Nếu có bề gì nhờ cậu sau này trao lại cho Kim Lan”. Thanh khoác khẩu AK, nhìn tôi nở nụ cười, giơ tay chào theo điều lệnh rồi xuống núi. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, tướng ngụy Lê Quang Trưởng tuyên bố tử thủ thành phố. Đêm 24-3-1975, Đài quan sát nhận tin báo từ trận địa: “Hoàng Xuân Thanh đã anh dũng hy sinh”. Tôi vô cùng xúc động, người bạn chiến đấu gắn bó suốt bốn năm qua không còn nữa. Thanh ngã xuống trước khi giải phóng TP. Huế hai ngày…
Kết thúc chiến tranh, tôi được chuyển về cơ quan cũ. Năm 1978, tôi về Trường trung cấp Thương nghiệp Thái Nguyên tìm Kim Lan, nhưng khóa học đã kết thúc, sinh viên ra trường đi nhận công tác cả rồi. Tôi nghĩ Kim Lan như con chim bay vào muôn nẻo đường Tổ quốc. Biết đâu mà tìm và cũng nên để cho em nguôi ngoai dần sự mất mát của mối tình đầu. Thế rồi cuộc sống với bao lo toan, cứ trôi đi cùng năm tháng. Kỷ vật của Thanh tôi vẫn giữ cẩn thận và nguyên vẹn. Nhưng tôi cảm thấy day dứt không yên lòng vì một nỗi niềm hơn 40 năm mà kỷ vật vẫn chưa trao cho chủ nhân của nó. Tôi tự hứa với mình sẽ tìm lại Hà Kim Lan trao lại kỷ niệm và kể lại sự hy sinh anh dũng của Thanh. Chắc Kim Lan sẽ vô cùng bất ngờ trân trọng và tự hào với mối tình xưa cũ của mình.
Trúc Phương