Ngành Du lịch Việt Nam có thành tích rất ấn tượng khi đóng góp nguồn lực kinh tế to lớn vào ngân sách đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, thúc đẩy phát triển các làng nghề, và quan trọng không kém là “Đem Việt Nam đến bạn bè thế giới, đem thế giới đến Việt Nam”. Con người Việt Nam thân thiện, năng động; đất nước Việt Nam với hàng vạn điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn… Đây là những điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chuyện khiến Du lịch Việt Nam chưa thể “bay cao, bay xa”. Để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xứng với tầm vóc Việt thì còn rất nhiều chuyện phải bàn, phải làm.
Có thể nhận thấy bệnh “ăn xổi” là bệnh đặc trưng nhất của nhiều người làm du lịch, tâm lý muốn giàu thật nhanh nhiều khi lấn át cách làm bài bản, có văn hóa, đúng pháp luật, mang tính chính thống. Mùa vụ trồng lúa từ lúc gieo cấy đến khi gặt của người nông dân kéo dài chừng 3 tháng nhưng với những người làm du lịch chỉ trong vài ba ngày, trong 1 ngày, thậm chí chỉ trong 1 tiếng đồng hồ... Với tâm lý ăn xổi, khách du lịch chỉ đến một lần, chắc gì đã quay lại nên họ ra sức “chém”. Ngọt ngào có, dọa dẫm thậm chí là đe dọa cũng có để đưa khách vào thế “không thể không” khi phải mua con cua biển với sợi dây buộc to bằng cổ tay nặng sũng nước nặng 1,2kg nhưng khi bỏ ra luộc chỉ còn 0,42kg; một chai nước tinh khiết 25 ngàn đồng; một bát phở 400 ngàn đồng, một đêm ngủ trong khách sạn 2 sao 2 triệu đồng… Thực tế chuyện này đã xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua và trong chính mùa hè-mùa du lịch này và sắp tới là mùa lễ tết, hội hè. Buồn nỗi, chuyện này không chỉ một vài cá nhân mà ở một số nơi cộng đồng bảo nhau cùng làm. Chính quyền một số địa phương cũng “không đứng ngoài cuộc” khi thu tiền thuê mặt bằng, các loại tiền dịch vụ với giá “trên trời”, đôi khi lại là chuyện “lại quả”, lót tay cho cán bộ thực hiện công vụ; nhiều công ty lữ hành và chủ nhà nghỉ, khách sạn sẵn sàng hủy hợp đồng nếu thấy hợp đồng khác có đông khách hơn, khách chịu giá phòng cao hơn… “Chém” được là “chém”, kệ cho khách “một đi không trở lại”, uy tín, tiếng tăm chả là cái gì! Người “chịu đòn” chẳng ai khác là khách du lịch, vậy nên khách đến và không trở lại là chuyện dễ hiểu. Du lịch Việt nhìn du khách Việt ùn ùn đi du lịch nước ngoài, tiếc đứt ruột nhưng lại vẫn cứ quyết tâm “chặt, chém”, lẹt đẹt mà đi…
Du lịch Việt Nam có những thế mạnh mà ít quốc gia nào có, Chính phủ lại vừa quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho du khách từ một số quốc gia… là lợi thế vô cùng lớn của ngành du lịch, của những người làm du lịch nhưng nếu vẫn giữ nguyên kiểu cách “chặt, chém” thì du lịch Việt khó bay cao, bay xa được lắm, nếu không muốn nói là sẽ bị teo tóp đi theo thời gian. Chuyển biến ấy, tất nhiên cần từ chính mỗi người làm nghề du lịch Việt.
Thanh Huyền