Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu
6 giờ chiều ngày 3-7-2015, trên đường từ Nghệ An ra Hà Nội, tôi được Đại tá Nguyễn Đăng Giáp gọi điện báo tin: “Anh ơi! Anh An Thuyên vừa mất lúc hơn 4 giờ chiều nay. Đời người chẳng được là bao…”. Tôi bàng hoàng xúc động! Thế là khép lại một cuộc đời sôi động, tài hoa của một Thiếu tướng, một Nhạc sĩ, nguyên Hiệu trưởng Đại học, tài năng, tâm huyết với quê hương, Quân đội-và hơn thế là đối với Nhân dân, Đất nước. Tôi lập tức thông báo hung tin cho những người thân quý.
Về Hà Nội, tôi khó vào giấc ngủ. Thật chẳng thế nào nắm bắt, dự liệu hay làm thay đổi được những bất trắc khôn lường. Mỗi con người ra đi-một thế giới mất đi-tựa như khối sao băng vút trên bầu trời, tan biến vào vũ trụ bao la, vô cùng, vô tận... Trong thao thức, bao kỷ niệm với Nhạc sĩ An Thuyên hiện về trong tâm trí tôi như một thước phim quay chậm.
Tôi cùng quê Nghệ An với Nhạc sĩ An Thuyên. Anh ở xã Quỳnh Kim, huyện Quỳnh Lưu; tôi ở xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc-cách nhau chừng 50km. Chúng tôi quen thân nhau cách đây đã hơn 20 năm. Ngày ấy, tôi là Cục trưởng Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, còn Nhạc sĩ An Thuyên là Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, Tổng cục Chính trị (sau đó, dưới thời Hiệu trưởng An Thuyên được nâng cấp lên là Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội).
Chúng tôi cùng lớp tuổi, là bạn đồng hương thân quý nhau. Tôi luôn coi Nhạc sĩ An Thuyên là một nhân cách, một tài năng đáng kính. Nhiều năm liền, chúng tôi cùng tham gia các hoạt động của Tổng cục Chính trị. Còn nhớ, năm 1994, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Quân đội, Nhà nước tuyên dương Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho những người mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con yêu quý trong mấy cuộc chiến tranh. Sau khi Nhà nước ban hành Pháp lệnh, anh An Thuyên kịp thời sáng tác bài hát: "Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Vừa viết xong, Nhạc sĩ An Thuyên đề nghị Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cùng nhạc sĩ Trần Hoàn-Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin nghe biểu diễn trước-dưới hình thức thông qua. Với tư cách là Cục trưởng Cục Chính sách, tôi được mời dự. Ca từ và tiết tấu của bài hát thật hay, đầy cảm động và rất ý nghĩa. Sau biểu diễn, Nhạc sĩ An Thuyên hỏi, tôi trả lời ngay: “Bài hát của anh thật tuyệt vời! Nhân đây, chúng tôi xin đề nghị các thủ trưởng cho biểu diễn bài hát này trong buổi Lễ tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ diễn ra tại Phủ Chủ tịch, ngày 19-12-1994”. Chúng tôi thật mừng vì đề nghị đó được cấp trên chấp thuận. Buổi biểu diễn thật xúc động, ý nghĩa.
Năm 1997, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thương binh, liệt sĩ, đồng thời là kỷ niệm 50 Ngày truyền thống của ngành Chính sách Quân đội, xét thấy cần có một bài hát truyền thống cho ngành Chính sách, Nhạc sĩ An Thuyên khêu gợi tôi viết một bài thơ để anh ấy phổ nhạc. Vậy là “Bài ca người lính nghĩa tình” được ra đời. Sau đó, Cục Chính sách đưa vào chương trình tham gia Hội diễn văn nghệ quần chúng cơ quan Tổng cục Chính trị năm 1998, đoạt giải xuất sắc. Nhiều năm sau này, bài hát đó được công diễn nhiều lần ở Tổng cục Chính trị, khi thì hội diễn, khi thì vào dịp kỷ niệm. Hồi ấy, anh chị em trong Cục Chính sách vẫn nói vui đó là bài hát “Cục ca”.
Năm 2012, tôi và Nhạc sĩ An Thuyên cùng các tướng lĩnh quê Nghệ An được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An mời về gặp mặt. Chúng tôi tham gia các hoạt động của Đoàn đi tham quan Khu di tích Truông Bồn ở Đô Lương, đền thờ Quang Trung ở núi Quyết, dự buổi gặp mặt với lãnh đạo tỉnh… Anh em bù khú với nhau biết bao nhiêu chuyện. Năm 2013, Tỉnh đội Nghệ An mời tôi tham gia biên soạn cuốn “Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh” với 106 vị. Khi viết về anh An Thuyên, tôi đã cố gắng phác họa được phần nào chân dung, sự nghiệp một Thiếu tướng, Nhạc sĩ tài năng, đức độ. Mới gần đây thôi, tôi còn gặp anh trong buổi Lễ kỷ niệm 125 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội đồng hương tỉnh Nghệ An tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Sau đó, ngày 22-5-2015 lại cùng anh dự cuộc họp chuẩn bị thành lập Hội Doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam ở Hà Nội, tại khách sạn Bảo Sơn, mà anh An Thuyên được cử là thành viên Ban chấp hành lâm thời-anh em còn trò chuyện dí dỏm thân tình. Ôi! Có biết bao kỷ niệm chung riêng đáng quý giữa chúng tôi.
Anh An Thuyên là Nhạc sĩ đầu tiên của Quân đội được phong tướng-là người đầu tiên trong giới Nhạc sĩ cách mạng của nước nhà được phong tướng. Anh đúng là “Tướng Nhạc” - như lời của Đại tá AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp-Tổng giám đốc Tổng công ty 36 Bộ Quốc phòng.
Tôi quan niệm rằng: Lực lượng văn hóa nghệ thuật trong Quân đội như một Binh chủng, thì Thiếu tướng, Nhạc sĩ An Thuyên thật xứng đáng là một vị Tư lệnh của Binh chủng ấy.
Chỉ trong một thời gian rất ngắn đây thôi, tiếp sau các nhạc sĩ bậc thầy: Giáo sư, tiến sĩ, nhạc sĩ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, sự ra đi đột ngột của Nhạc sĩ An Thuyên-người nổi tiếng với những ca khúc trữ tình mang âm hưởng dân ca-là thêm một sự trống vắng trong nền âm nhạc Việt Nam đương đại.
Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Nhạc sĩ An Thuyên gắn bó với quê hương, Đất nước, Quân đội và tình yêu con người. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2007, Nhạc sĩ An Thuyên được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với chùm tác phẩm: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc. Bằng làn điệu dân ca, âm nhạc của An Thuyên đã đưa người nghe về với hình ảnh thân thuộc của quê hương: dòng sông, bến nước, con đò, bờ đê, đồng ruộng, đàn trâu, chiếc áo tơi, tuổi thơ… Đó là tất cả những gì gắn bó mật thiết thân thương gần gũi với quê hương xứ sở của mọi người dân Việt.
Nhạc sĩ An Thuyên đã ra đi nhưng đâu đây vẫn ngân nga "Dòng sông thi ca" của anh-người Nhạc sĩ của "thôn ca" như lúc sinh thời anh vẫn muốn mọi người gọi mình như thế. Ngoài đời có rất nhiều người chưa một lần gặp anh, nhưng sự ra đi của một con người như Nhạc sĩ An Thuyên đối với họ là một nỗi đau buồn, mất mát lớn trong trái tim. Những ai đã từng như anh bước ra từ một mái quê nghèo, cùng tắm trên một dòng sông… cùng muốn mãi được "neo đậu bến quê" đều có chung một cảm thụ. Bởi thế, mọi người luôn trân trọng những tác phẩm để đời của Nhạc sĩ An Thuyên.
Nhạc sĩ An Thuyên là bậc thầy của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ được đào tạo trong và ngoài Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Những ca khúc của Nhạc sĩ An Thuyên sẽ tiếp tục lan tỏa, đi cùng năm tháng, tên tuổi anh còn mãi trong sự trân trọng, quý mến của người dân trên mọi miền đất nước.
Vĩnh biệt Nhạc sĩ An Thuyên-một nhân cách, một tài năng đáng quý-một người đã dành trọn đời mình cho âm nhạc trữ tình, nhân văn, dân gian và hiện đại! Xin vĩnh biệt một người bạn đồng hương, đồng đội thân quý!
Xin chân thành chia buồn cùng chị Ngô Thị Huyền Lâm, các cháu và toàn gia quyến!
Xin chia buồn với những con người gần xa trên mọi miền Đất nước đã và đang mến mộ Nhạc sĩ tài năng An Thuyên
N.M.Đ