*Amiăng được sử dụng tại thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh).*Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tất cả các loại amiang (trắng, xanh, nâu…) đều được xếp vào nhóm 1, nhóm các chất gây ung thư ở người, nhất là ung thư phổi, thanh quản, buồng trứng, ung thư trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiang trong suốt thập kỷ qua. Tại Việt Nam, ngày 1-1-2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng “Xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”.
Năm 2004, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước lượng có trên 100.000 người chết mỗi năm do tiếp xúc với amiang. Theo Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: Năm 2016, Nghiên cứu Gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy, khoảng 225.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến amiang. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 người chết do liên quan đến amiang, hầu hết các các ca tử vong là do phơi nhiễm nghề nghiệp. Trên thế giới, 64 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm việc sử dụng amiang trắng. Đối với các quốc gia chưa cấm amiang thì những sản phẩm chứa amiang thường thấy trong vật liệu xây dựng có tấm lợp amiang (loại cuộn sóng và loại phẳng), vách và ván sàn, ống xi măng; vật liệu ma sát có má phanh xe và lớp lót ly hợp, cách điện ống dẫn, đường ống, bể chứa, miếng đệm; vật liệu keo và chất trám kín có trong vòi cứu hỏa, găng tay chịu nhiệt, vỏ bọc dây điện… Ở nước ta, amiang vẫn được sử dụng nhiều trong các sản phẩm công nghiệp, nhất là sản phẩm tấm lợp fibroximang.
PGS,TS Nguyễn Văn Sơn - Phó viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế cho rằng: Nếu như ta làm một phép tính tương đối, với lượng tiêu thụ amiang trung bình ở Việt Nam trong những năm từ 1990-2014, mỗi năm là 70 nghìn tấn thì trong gần 25 năm qua, chúng ta đã “mang” về tới 1.750.000 tấn chất độc hại này. Với kích thước các sợi amiang vô cùng nhỏ bé, cỡ vài micron, các sợi này nếu không được bao gói, bảo quản, vận chuyển, sử dụng đúng cách sẽ rất dễ phát tán vào không khí xung quanh, mà hậu quả là không chỉ người lao động trong các cơ sở sản xuất amiang, mà cả cộng đồng dân cư phải hứng chịu hậu quả.
Các nhà khoa học khuyến cáo: Amiang là chất có thời gian phân hủy rất dài, lên tới hàng chục năm, số người hiểu biết về tác hại của amiang đối với sức khỏe còn rất hạn chế, do đó họ chưa biết dự phòng do hậu quả của amiang cho chính mình và cộng đồng. Nhiều hộ gia đình sau khi mái nhà xuống cấp đã đập vỡ tấm lợp rải ra sân, ra đường hoặc làm hàng rào. Đây chính là nguyên nhân gây ra phát tán amiang mà nhiều người dân không sử dụng cũng bị ảnh hưởng.
(còn nữa)
Thành An
Bài 2: Cam kết của Chính phủ Việt Nam.