Thông báo kết luận nêu rõ, giáo dục và đào tạo luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì vai trò của giáo dục và đào tạo lại càng trở nên quan trọng. Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, hoàn thiện. Đặc biệt gần đây Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Chính phủ cũng đã ban hành chương trình hành động để thực hiện.
Được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, xã hội, các cấp, các ngành mà trực tiếp là ngành giáo dục, nhờ đó chất lượng giáo dục và đào tạo của nước ta từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nguồn nhân lực đào tạo ra chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, nhất là yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh thị trường lao động khu vực và quốc tế...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua, đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục xây dựng xã hội học tập và môi trường tự học; yêu cầu gắn đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn nhiều hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương.
Rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo từng bậc học, lớp học, môn học gắn với quy hoạch, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo, đào tạo lại, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có; khắc phục bằng được tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống các trường và đội ngũ giáo viên.
Bộ Nội vụ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát các đề án vị trí việc làm của các cơ sở giáo dục trực thuộc để bảo đảm đủ giáo viên, kiểm tra và có hình thức xử lý phù hợp đối với những địa phương tuyển dụng giáo viên không đúng quy định của pháp luật; thực hiện chính sách tinh giản biên chế phù hợp với đặc thù của ngành và địa phương.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các địa bàn có khả năng xã hội hóa cao; tăng cường công tác giáo dục về đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên; đổi mới mô hình, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm khả thi, thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Hoàn thiện quy định cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục đại học công lập
Về tự chủ đại học, tự chủ đại học là xu hướng tất yếu để phát huy nội lực, tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là khâu đột phá của giáo dục đại học.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương, trong đó quy định Hội đồng trường phải có thực quyền để bảo đảm việc giám sát hoạt động của nhà trường, hạn chế lạm quyền; làm rõ nội dung tự chủ đại học đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để bảo đảm bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học; đồng thời đề xuất nội dung tự chủ trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo làm thí điểm, trước mắt là 03 cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án hoạt động không có cơ quan chủ quản để báo cáo Chính phủ quyết định. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các đề án thí điểm này; trên cơ sở tổng kết mô hình thí điểm, đề xuất lộ trình, điều kiện để dần xoá bỏ cơ chế “cơ quan chủ quản” đối với cơ sở giáo dục đại học.
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy cụ thể, thực tế hơn và coi đó là một nội dung đào tạo quan trọng, đồng thời yêu cầu các trường đại học đặt ra những mục tiêu cụ thể về hoạt động khởi nghiệp trong đào tạo.
Về xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội về lộ trình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đủ các môn học ở các lớp học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới, bảo đảm yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra chất lượng giáo dục; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình giáo dục phổ thông mới cần có nội dung truyền thụ tinh thần khởi nghiệp cho học sinh. Chú trọng hơn đến phát triển phương pháp, kỹ năng dạy và học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
VPCP