Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hoá phổ biến, đang gia tăng ở Việt Nam, là 1 trong 10 bệnh thường gặp ở nước ta trong những năm gần đây.

Đối tượng “nguy cơ” mắc ung thư dạ dày

- Hút thuốc lá: Là một trong những thói quen mà đa số người mắc ung thư dạ dày vẫn duy trì sử dụng.

- Nam giới tuổi trên 40: Trong số những người mắc ung thư dạ dày, có tới 96% là người ở độ tuổi từ 40 trở lên. Nam giới có tỉ lệ cao.

- Thói quen ăn uống mặn, đồ nướng, chiên…

- Những người mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa như đã từng bị phẫu thuật dạ dày, đau, viêm loét dạ dày lâu năm, nhiễm vi khuẩn HP.

- Di truyền: Những người từng có người thân mắc ung thư dạ dày thì xác suất cũng mắc ung thư dạ dày cao hơn người bình thường.

- Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.

Dấu hiệu cảnh báo

Đại tiện ra máu: Nếu bạn phát hiện có máu trong phân, đừng chỉ nghĩ là do táo bón hoặc bệnh trĩ, đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

Mất cảm giác thèm ăn: Mặc dù mất cảm giác thèm ăn có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác, nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, nó cũng có thể là triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày.

Sụt cân không rõ nguyên nhân: Nếu bạn bỗng nhiên bị giảm cân nhanh chóng dù ăn uống lành mạnh thì hãy cảnh giác vì đây có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày.

Thường xuyên ợ nóng: Nếu tình trạng ợ nóng vẫn tiếp diễn dù bạn đã dùng các thuốc điều trị, bạn nên tới bác sĩ để kiểm tra vì đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

Trướng bụng: Một dấu hiệu nữa của ung thư dạ dày là hiện tượng đầy hơi và trướng bụng liên tục dù bạn có chế độ ăn lành mạnh.

Mẩn đỏ ở da: Nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày bị mẩn đỏ ở các vùng da trên cơ thể, nguyên nhân có thể do mất cân bằng các enzyme tiêu hóa.

Mệt mỏi: Cuối cùng, mệt mỏi cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày. Tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp này cũng có thể bị nhầm với các bệnh khác. Hãy tới gặp bác sĩ để kiểm tra nếu bạn thường xuyên thấy mệt mỏi.

Ung thư dạ dày hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nếu như thấy những dấu hiệu trên bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa

- Hạn chế ăn đồ ăn mặn: Chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp, khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất cực độc gây ung thư.

- Hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên: Qua chế biến các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư.

- Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích: Sử dụng những chất này sẽ gây ra nhiều bệnh ung thư không chỉ riêng ung thư dạ dày.

- Bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý: Ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.

- Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.

- Giữ tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ: Có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc, nấu ăn… hay làm những việc bạn yêu thích.

- Tránh tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại: Trường hợp do tính chất công việc, bạn bắt buộc phải tiếp xúc, làm việc trong môi trường này, thì cần mặc đồ bảo hộ lao động.

Đặc biệt đừng quên khám tầm soát ung thư dạ dày hằng năm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

                                                                                        Thành An