Đau dây thần kinh liên sườn là do tổn thương của các dây thần kinh liên sườn. Biểu hiện của bệnh là đau ở một bên, trái hoặc phải từ trước ngực (xương ức) lan theo “mạng sườn” ra phía sau ở cạnh cột sống. Cảm giác đau rát bỏng, có thể có hiện tượng tăng cảm giác ở vùng đau khi sờ nắn.

Nguyên nhân gây bệnh
Theo bác sĩ Lê Hoài Anh-Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công An) thì đau dây thần kinh liên sườn có nguyên nhân tiên phát và thứ phát. Nguyên nhân tiên phát gây bệnh không rõ ràng, có thể là do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân đau tăng thường nhầm với bệnh lý của phổi; da và các cơ quan vùng đau không có biểu hiện tổn thương.
Đau dây thần kinh liên sườn thứ phát: Do bệnh lý tổn thương ở đốt sống (thoái hóa cột sống, lao cột sống hoặc ung thư cột sống); do bệnh lý tổn thương tủy sống (u rễ thần kinh, u ngoại tủy); do chấn thương cột sống chèn ép lên dây thần kinh gây đau; do nhiễm khuẩn như cúm, lao, thấp khớp mà thường gặp nhất là bị nhiễm virut Herpes Simplex gây nên bệnh zona thần kinh. Bệnh hay xảy ra ở những người bị nhiễm Herpes Simplex có cơ địa yếu, đái tháo đường, lao phổi hay đang sử dụng thuốc kháng viêm corticoide.
Ngoài các nguyên nhân gây bệnh kể trên, đau dây thần kinh liên sườn còn do các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) và một số nguyên nhân khác như đái tháo đường, nhiễm độc một số kim loại như chì, viêm đa dây thần kinh…

Biểu hiện của bệnh
Cũng theo bác sĩ Lê Hoài Anh, biểu hiện của bệnh đau dây thần kinh liên sườn thường có những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh thường hay nhầm với các cơn đau tức ngực thông thường nên cần chú ý một số biểu hiện sau:

  • Đau ngực: Đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế. Người bệnh thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải, có thể có điểm đau và hiện tượng tăng cảm giác ở vùng đau khi bác sĩ khám.
    Khi bị đau tiên phát, người bệnh có cảm giác đau liên tục một bên lưng, dần dần lan theo hướng chéo xuống dưới và ra trước tùy theo khu trú ở đoạn cột sống lưng trên hay dưới. Điểm đau rất rõ khi ấn vào những điểm lộ ra của những sợi thần kinh liên sườn, cạnh cột sống, đường giữa nách. Đối với đau thứ phát, bệnh nhân thường bị đau do bệnh lý đĩa đệm cột sống ngực, lao cột sống do tổn thương phổi-màng phổi, hay đau quặn gan, cần được chẩn đoán phân biệt.
    Nhiều trường hợp đau do đĩa đệm của một đoạn cột sống, phần lớn là ở đoạn trên cột sống ngực thì bệnh nhân có cảm giác đau ở phía trong sâu mơ hồ, không có điểm đau rõ rệt khi ấn trên da. Khu vực đau thường gặp nhất là vùng liên bả vai, cạnh cột sống và vùng ngực trước tim dễ nhầm với cơn đau thắt ngực đe dọa nhồi máu cơ tim.
    Đau do zona liên sườn: Là thể hay gặp nhất, biểu hiện ban đầu là đau ngực 3-4 ngày, thường thấy một bên và có cảm giác bỏng rát ở người trẻ, đau nhiều ở người già. Người bệnh cảm thấy mệt, sốt nhẹ, đau hạch nách, dừng lại ở giữa, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Mụn nước dịch trong và màu hơi tím, sau 2-3 ngày hóa mủ, đóng vảy khô và bong sau 10 ngày. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.

Phòng ngừa đau dây thần kinh liên sườn
Để phòng ngừa bệnh đau dây thần kinh liên sườn, bác sĩ Lê Hoài Anh khuyên nên vận động đúng tư thế, không chơi thể thao quá sức. Khi mắc các bệnh, cần điều trị dứt điểm các bệnh nhiễm khuẩn. Trong sinh hoạt hằng ngày, cần tránh chấn thương, không lạm dụng thuốc corticoid.
Khi phát hiện sớm có các biểu hiện nghi ngờ như: Đau tức ngực, đau mạng sườn, cần đến bác sĩ để được khám và xác định nguyên nhân. Ngoài ra, hằng ngày cần ăn uống đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Bổ sung đầy đủ chất đạm, đường, béo, hoa quả chín… nhằm giảm nguy cơ loãng xương để hạn chế mắc bệnh.
Thành An