Đổi thay những xã nông thôn mới
Về Đại Thành (thị xã Ngã Bảy-Hậu Giang) xã đạt chuẩn NTM (12-2013) đầu tiên không chỉ của Hậu Giang mà cả khu vực ĐBSCL mới thấy sự thay đổi đến bất ngờ. Qua 4 năm xây dựng NTM, bộ mặt làng quê Đại Thành có những thay đổi rõ rệt. Đến cuối năm 2014, toàn xã có 100% đường liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; hơn 96% đường trục ấp, liên ấp và 100% đường ngõ, xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa; gần 80% đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Có 18 hộ dân thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, trên 100 hộ dân thu nhập từ 500 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng... Cảm nhận về sự thay đổi của quê hương, ông Dương Văn Giang-Chủ tịch xã Đại Thành chia sẻ: “Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, quê hương Đại Thành có sự thay đổi vượt bậc. Đường làng được thông thoáng, nhà cửa khang trang, cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhất là chợ được đầu tư nâng cấp, trạm y tế xã với đội ngũ bác sĩ có trình độ cao, thiết bị y tế hiện đại nên công tác chăm sóc sức khỏe của người dân được tốt hơn”.
Đến Phú Cần (Tiểu Cần-Trà Vinh), là nơi có đông đồng bào dân tộc Khơ-me (chiếm hơn 62%), là xã đạt chuẩn NTM đầu tiên ở tỉnh Trà Vinh (1-2014). Đạt được kết quả này, Phú Cần đã huy động các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; vốn ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện, vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn đối ứng trong dân với tổng nguồn lực được hơn 127,4 tỷ đồng; trong đó nhân dân đóng góp tiền, ngày công; hiến đất, cây trái, hoa màu phục vụ các công trình giao thông, thủy lợi ước tính hơn 3,3 tỷ đồng. Thông qua các nguồn vốn trên, xã Phú Cần đã và đang triển khai thực hiện được nhiều hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội phục vụ dân sinh, quyết tâm làm ăn, xây dựng gia đình trở thành hộ, ấp đạt chuẩn NTM …
Đồng thuận từ người dân
Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bến Tre: Sau 3 năm thực hiện, Bến Tre huy động được trên 43.865 tỷ đồng cho việc xây dựng NTM. Từ các nguồn vốn, Bến Tre đầu tư thực hiện được trên 1.102km đường giao thông nông thôn, xây mới 706 cây cầu và xây dựng 274 cống dân sinh. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.177 tỷ đồng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp 226 tỷ đồng còn lại là Nhà nước đầu tư. Rõ nét nhất là việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất và việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo mối liên kết bốn nhà, phát triển được 194 mô hình, trong đó cây lúa tổ chức được gần 2.000ha sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu; cây dừa đã nâng cao hiệu quả hoạt động của 29 tổ hợp tác liên kết sơ chế và tiêu thụ dừa trên diện tích 1.210ha với 1.755 hộ tham gia mô hình “cánh đồng dừa mẫu”; cây ăn trái tổ chức được 15 tổ nhóm nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đến nay, Bến Tre có 86% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, có 4 xã Phú Nhuận (T.P Bến Tre), Châu Bình (Giồng Trôm), Hữu Định (Châu Thành) và xã Sơn Định (Chợ Lách) đạt 19 tiêu chí; có 5 xã đạt từ 15-18 tiêu chí…
Sau 4 năm xây dựng NTM, tổng vốn đầu tư của huyện Phước Long (Bạc Liêu) lên hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình mục tiêu quốc gia gần 18 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 5,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác hơn 470 tỷ đồng; vốn tỉnh phân bổ hơn 86 tỷ đồng; vốn của huyện 13 tỷ đồng; vốn tín dụng phát triển sản xuất gần 2.200 tỷ đồng... Theo ông Trần Hoàng Duyên-Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phước Long: “Phước Long chuẩn bị đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và là huyện đầu tiên ĐBSCL đạt chuẩn NTM.
Bộ mặt nông thôn ở tỉnh Vĩnh Long đã và đang có nhiều khởi sắc theo hướng toàn diện và vững chắc, hạ tầng kinh tế-xã hội không ngừng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong năm 2014, tổng các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM tỉnh Vĩnh Long đạt trên 900 tỷ đồng. Tiêu biểu phong trào này có hộ ông Lê Văn Hùng ở xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm) hiến đất trị giá trên 500 triệu đồng; bà Ngô Thị Hường ở phường Cái Vồn (T.X Bình Minh) đóng góp trên 300 triệu đồng làm đường giao thông tại xã Thuận An; ông Trương Văn Hoàng (xã Mỹ Thuận-T.X Bình Minh) đóng góp đất trị giá trên 250 triệu đồng…
Những ngày này, cùng với cả nước, cán bộ, quân dân vùng “đất chín rồng” tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chắc rằng ai cũng có những xúc cảm về những ngày mới giải phóng và ghi nhận về chặng đường 40 năm xây dựng quê hương, chứng minh cho bước phát triển đáng trân trọng của ĐBSCL như ngày nay.
Bài và ảnh: Phương Nghi