Ông A Biên (chồng bà Y Nia, người chít khăn trắng trên đầu) và anh A Đối (ngoài cùng, bên phải) báo cáo Giàng tại lễ đâm trâu.
Ông A Khoai - Trưởng thôn Kon Liêm cho biết: Hơn một tháng nay, mọi người trong gia đình bà Y Nia đau ốm. Để cho bà và các con khỏi bệnh, bà Y Nia và mọi người trong dòng họ quyết định tổ chức đâm trâu. Bởi theo bà Y Nia, nếu không tổ chức đâm trâu báo cáo với Giàng, sau này lỡ có chết đi do bệnh tật thì biết đâu lại do mình không làm lễ báo cáo Giàng. Không chỉ có gia đình bà Y Nia, trong thôn Kon Liêm này, hễ ai có bệnh tật đều tổ chức đâm trâu báo cáo với Giàng.
Với mong muốn sinh đứa con tiếp theo không bị liệt, gia đình anh A Ba cũng tổ chức đâm trâu báo cáo với Giàng về bệnh tật của A Túy. A Túy (6 tuổi, con A Ba) bị liệt từ ngày mới sinh ra. Mặc dù kinh tế gia đình A Ba khó khăn, nhưng theo phong tục người Tà Rẻ, anh cũng phải vay mướn tiền mua trâu làm lễ cho con.
Theo A Khoai, hiện ở địa phương, mỗi con trâu có giá từ 27 đến 30 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ, vậy mà nhiều gia đình có người thân ốm đau bệnh tật, còn phải bỏ ra khoản tiền lớn để mua trâu về đâm trong lễ cúng Giàng.
Ông A Ruổi - Chủ tịch UBND xã Xốp cho biết: Đâm trâu là phong tục tập quán nhiều đời nay của người Tà Rẻ. Vì là phong tục lâu đời, nên mặc dù địa phương đã nỗ lực vận động, tuyên truyền, nhưng bà con cũng chưa thể bỏ ngay được phong tục này.
Chứng kiến lễ đâm trâu của gia đình A Đối, gia đình A Ba và những hộ gia đình ở xã Xốp, chúng tôi rất băn khoăn bởi tới đây sẽ có nhiều gia đình khác cũng vì lễ đâm trâu mà trở thành nghèo đói.
Trần Đăng