Đại hội diễn ra từ ngày 4 đến 5-12-2018 tại Hà Nội với sự tham dự của 330 đại biểu, đại diện cho hơn 400.000 hội viên tại 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Dự Đại hội còn có lãnh đạo các Ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và địa phương. Hội CCB Việt Nam có Trung tướng Nguyễn Văn Đạo - Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam.
Công tác chăm sóc Người có công với cách mạng nói chung, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Kể từ khi thành lập vào tháng 10-2004 tới nay, qua 15 năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam trở thành một tổ chức xã hội từ thiện, đại diện pháp lý của những nạn nhân da cam, là công dân đang sinh sống trên địa bàn huyện và cá nhân, tập thể tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Đồng thời khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhằm huy động mọi tiềm lực của xã hội, của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và gia đình của họ hoà nhập cộng đồng. Giáo dục, động viên nạn nhân phấn đấu vươn lên, tổ chức chăm lo giúp đỡ lẫn nhau, thực hiện nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi công dân của nạn nhân da cam.
Trong nhiệm kỳ qua, Hội phát triển 100% ở các các tỉnh thành, nâng tổng số lên 610/694 quận, huyện có đủ điều kiện thành lập Hội với tổng số hội viên lên gần 400.000. Hiện có 18 tỉnh, thành đã hoàn thành phát triển Hội ở 100% cấp huyện và xã. Cùng với sự phát triển của tổ chức Hội, công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam có những kết quả cao. Tính đến nay, có 40 tỉnh, thành Hội, 108 Hội cấp huyện, 539 xã, phường thành lập được Quỹ “Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Các cấp Hội nỗ lực vận động nguồn lực, quản lý Quỹ chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội vận động Quỹ đạt hơn 1.139 tỷ đồng, trong đó các tổ chức, cá nhân trong nước ủng hộ hơn 1.000 tỷ đồng, ngoài nước ủng hộ hơn 62 tỷ đồng, nâng tổng số tiền toàn Hội vận động cho Quỹ trong 15 năm qua lên gần 2.000 tỷ đồng. Từ nguồn lực vận động được, các cấp Hội chi hỗ trợ nạn nhân hơn 1.800 tỷ đồng, xây dựng 26 Trung tâm nuôi dưỡng và các cơ sở xông hơi giải độc, xây dựng gần 4.700 Nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trợ cấp gần 7.300 suất học bổng... Ngoài ra còn được sử dụng hỗ trợ các nạn nhân tìm việc làm, vốn sản xuất, hỗ trợ mua thẻ BHYT, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, trợ cấp khó khăn, thăm hỏi...
Trên phương diện quốc tế, hoạt động đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam có những bước đi phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng. Hoạt động do Hội tiến hành đã có kết quả: Từ chỗ phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ Mỹ đã chính thức tham gia cùng Việt Nam tẩy độc môi trường tại điểm nóng ở Việt Nam, cân nhắc một số dự án hỗ trợ người khuyết tật trong đó có nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. 15 năm qua, Hội và một số nguyên đơn là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tiến hành vụ kiện tại Mỹ, tiếp đến vụ kiện của bà Trần Tố Nga từ tháng 5-2014 đến nay vẫn đang tiếp tục... Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã thu được nhiều kết quả quan trọng.
Đại hội đã xác định phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, trong đó chú trọng tới công tác huy động nguồn lực, chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/di-ô-xin, đặc biệt là các đối tượng là Người có công với cách mạng, đồng thời quan tâm hơn đến các đối tượng hộ có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân... tăng cường hoạt động đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân...
Đại hội đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018-2023 Hội Nạn nhân chất độc da cam bầu Ban chấp hành gồm 96 đồng chí. Thượng tướng Nguyễn Văn Ring tái đắc cử Chủ tịch Hội.
Quang Vinh