Hội CCB xã Hải Dương (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) tổ chức lễ khởi công xây dựng “Nhà nghĩa tình đồng đội” giúp hội viên Trương Văn Định ở thôn Diên Khánh xóa nhà tạm.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta “Uống nước nhớ nguồn”, việc quan tâm chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức vai trò công tác quan tâm, chăm sóc thương binh, liệt sĩ có ý nghĩa lớn lao thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đồng thời phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc luôn được diễn ra sâu rộng, thiết thực, hiệu quả trong toàn hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.
“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời vinh danh, ghi nhớ công ơn, luôn tự hào, nguyện kế tục và thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh, đồng bào, chiến sĩ cả nước” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017).
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “...Củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; ...Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại...”. Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và Người có công với cách mạng, cũng như đẩy mạnh tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ càng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đồng thời tăng cường sự ổn định xã hội, giữ vững thể chế và từng bước nâng cao đời sống Người có công.
Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, Nhà nước, sự nỗ lực chăm lo của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự cố gắng vươn lên của chính mình, đời sống vật chất, tinh thần của Người có công ngày càng được cải thiện. Điều đó được thể hiện qua chỉ tiêu mức sống của Người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 96,67% đến 99,7% (năm 2016 đạt 96,67%; năm 2020 đạt 99,7%) và sẽ cao hơn khi Nghị định 75/2021/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 24-7-2021 có hiệu lực thi hành. “Kinh phí hằng năm sẽ tăng thêm khoảng 800 tỷ đồng để điều chỉnh bổ sung khoảng 10 chính sách mới trong Nghị định. Đây là một chính sách lớn, đột phá và có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung cho biết.
Đến nay, hơn 9 triệu lượt người có công bao gồm cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng, Nhà nước ta còn luôn quan tâm chăm lo người có công bằng các chính sách ưu đãi cụ thể, như chăm sóc sức khoẻ, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sĩ, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình liệt sĩ thăm viếng phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang...
Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, các đơn vị quân đội, công an, doanh nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và Người có công với cách mạng” với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của T.Ư đã vận động được hơn 16,8 tỷ đồng, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của địa phương vận động được gần 5.600 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.650 sổ với tổng kinh phí gần 103,5 tỷ đồng, xây dựng mới gần 39.000 Nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 24.650 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.265 tỷ đồng.
Thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt đời sống xã hội.
Hồ Thanh Hương