Hôm ấy, đoàn chúng tôi do anh Phan Trung Dũng, Chủ tịch Hội CCB Khối các cơ quan tỉnh Nam Định dẫn đầu cùng các anh Bùi Xuân Thủ, Trưởng ban Tổ chức khối; Nguyễn Văn Hội, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật và anh Phạm Quốc Khánh, chuyên viên Sở Nông nghiệp, đều là cán bộ Hội CCB về thăm Trung tâm Giống gia súc, gia cầm của tỉnh. Tiếp chúng tôi là Giám đốc, thạc sĩ, CCB Cao Xuân Thắng. Anh tham gia quân đội sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp; ra quân năm 1985, rồi chuyển ngành về đây.
Khi anh Thủ tấm tắc khen khu trung tâm rộng rãi, nằm ở thế đắc địa, lại có nhiều cơ sở vệ tinh, thì anh Thắng giới thiệu: Đây là văn phòng Lộc Hòa, rộng 4,5ha, tài sản cố định khoảng 9 tỷ đồng. Chúng tôi còn 3 cơ sở khác ở Nam Trực, Hải Hậu, Xuân Trường, tổng cộng diện tích là 17,8ha và giá trị tài sản chừng 73,5 tỷ đồng. Nhiệm vụ của trung tâm là nuôi giữ giống gốc các giống cao sản để phục vụ nghiên cứu và tạo giống mới; sản xuất các giống gia súc, gia cầm bố mẹ cung cấp cho các trang trại, gia trại phát triển chăn nuôi; nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong ngành chăn nuôi và phục vụ thụ tinh nhân tạo gia súc trên địa bàn...
Thế Trung tâm có bao nhiêu người? Anh Hội hỏi:

  • Ở đây có 36 cán bộ, công nhân viên; trong đó có 3 thạc sĩ, 13 kỹ sư, cử nhân, còn lại là cao đẳng và trung cấp. Chi hội CCB có 6 hội viên; các anh, chị về đây làm công tác nghiên cứu khoa học và hành chính sự nghiệp đều giữ được vai trò gương mẫu, nòng cốt trong cơ quan.
    Mọi người xoay sang nhìn nhau phân vân vì cơ ngơi, nhiệm vụ thì lớn mà người lại vỏn vẹn chỉ có thế.
    Giám đốc Cao Xuân Thắng lần giở trong cuốn sổ rồi cười nói: Vậy mà Trung tâm vẫn giữ vững quy mô sản xuất, có chỗ vượt chỉ tiêu. Năm 2013, sản phẩm chủ yếu đạt gần 7.000 con lợn ngoại và 42.360 liều tinh (HS 12.000); sản phẩm hàng hóa đạt 3.348 lợn giống ngoại, 2.334 lợn thương phẩm ngoại, trên 36.000 liều tinh thụ (HS 10.800), thụ tinh nhân tạo bò 500 liều; doanh thu trên 9,5 tỷ đồng, lương bình quân đầu người đạt 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra chúng tôi còn hoàn thành nhiều hợp đồng chuyển giao kỹ thuật như cung cấp 100 tấm đệm lót sinh học (dầy 72cm dán nền) phục vụ chăn nuôi. Cung ứng cho Chương trình 30A của Chính phủ, vùng đệm quốc gia 1.430 con lợn Hậu bị Móng Cái cho tỉnh Sơn La, huyện Cát Hải (Hải Phòng) và 5 xã của huyện Giao Thủy (Nam Định); mở hai lớp dạy nghề cho 60 lao động nông thôn về “Chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt”...
    Chúng tôi được dẫn đi thăm khu vực chăn nuôi. Đó là những dãy nhà cấp bốn, nằm dài dưới tán cây râm mát. Trong mỗi dãy nhà được ngăn ra hàng chục ô chuồng nhỏ, ô nào cũng có một đàn lợn đã thả sẵn. Hàng trăm ô chuồng, hàng trăm đàn lợn. Nghe các anh chị công nhân giới thiệu: đây là đàn lợn ngoại cai sữa, đây là đàn lợn ngoại chờ xuất… mà chúng tôi nhìn không chán mắt. Đàn nào cũng giống nhau từ 15 đến 17 con, con nào cũng đều như những chiếc vồ, chiếc chày màu hồng hoặc đốm đen, đốm trắng trên nền chuồng sạch bóng...
    Chủ tịch Hội CCB khối Phan Trung Dũng ghé vào tai tôi thì thầm: “Về tỉnh đã hơn 30 năm, tôi chỉ nghe tiếng lành đồn xa chứ không ngờ cơ ngơi của ông Thắng lại lớn thế này. Vậy mà Trung tâm còn đang tập trung làm tốt công tác chăm sóc khách hàng và tiếp thị bán sản phẩm. Đặc biệt là mở rộng thị trường bán tinh, tăng mức tiêu thụ 36.000 liều năm 2013 lên 39.000 liều năm 2014. Kết hợp giúp đỡ kỹ thuật để tiến tới quản lý kỹ thuật các trang trại, tạo ra một hệ thống khách hàng thường xuyên mua lợn hậu bị và lợn thương phẩm cơ đấy”.
    Bài và ảnh:
    Phan Dũng