Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tất cả các cấp chính quyền không được lơi lỏng, chủ quan một phút nào trong phòng, chống dịch COVID-19.
Nếu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như một cuộc chiến thì chúng ta mới thắng trận mở màn. Chúng ta phải có niềm tin và bám sát vào những nguyên tắc đã chỉ đạo, kiên định, kiên trì, không vì điều gì từ bỏ nguyên tắc chống dịch, đề cao cảnh giác, không phút nào được lơi lỏng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này trong hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm 2020 và phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, sáng 25/2.
Tại hội nghị, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các đại biểu tại hội trường Bộ Y tế và hơn 700 điểm cầu trực tuyến đứng lên dành 1 phút tri ân thế hệ thầy thuốc hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Trong đó có cả các y bác sĩ hy sinh trong đại dịch SARS năm 2003 còn để lại cho chúng ta những tấm gương và bài học quý báu ngày hôm nay.
Đó còn là những thầy thuốc đang ngày đêm chiến đấu, không quản khó khăn gian khổ hết lòng vì người bệnh. Rất nhiều người đang giành giật sự sống từ tay tử thần về cho các bệnh nhân. Cán bộ y tế ở các thôn bản không chỉ khám, chữa bệnh, mang thuốc đến cho người dân mà còn mang tri thức, tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền” đến mọi ngõ ngách.
“Chúng ta cũng cảm ơn cả những chiến sĩ biên phòng, công an cửa khẩu, các ngành, cấp, các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà báo và mọi người dân cùng tham gia chống dịch COVID-19. Với một tinh thần “Chống dịch như chống giặc” có thể nói chúng ta đã đạt được những kết quả đáng mừng cho đến giờ phút này", Phó Thủ tướng nói.
Kiên trì 5 nguyên tắc chống dịch
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, nhờ sự cố gắng của toàn bộ các ban ngành, nên đến nay, Việt Nam kiểm soát tốt được dịch bệnh COVID-19. Tất cả 16 người nhiễm COVID-19 được chữa khỏi hoàn hoàn. Tâm dịch tại xã Sơn Lôi, Vĩnh Phúc đã qua 13 ngày không có thêm người nhiễm bệnh. Không có trường hợp lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế… Chúng ta đã rất chủ động và thực hiện các công việc cần thiết từ rất sớm.
Ngay từ giữa tháng 12/2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp chỉ đạo và các đơn vị của ngành y tế bắt đầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
“Năm nay không chỉ có tôi mà có rất nhiều anh em ngồi đây không có Tết. Đặc biệt, đúng đêm Giao thừa, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện biện pháp khai báo y tế bắt buộc, cao hơn mức cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau này, WHO cũng đánh giá Việt Nam áp dụng những giải pháp sớm hơn và cao hơn mức khuyến nghị của WHO là hết sức đúng đắn”, Phó Thủ tướng cho biết.
Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện bốn kịch bản ứng phó dịch bệnh COVID-19 với tinh thần “luôn luôn lường đến tình huống xấu hơn để tình hình không xấu đi. Tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất không xảy ra. Phương châm chống dịch của Việt Nam gồm 5 điểm: Ngăn chặn triệt để; phát hiện và phát hiện sớm nhất; cách ly và cách ly ngay lập tức; khoanh vùng và khoanh thật gọn; dập tắt và dập tắt triệt để. Dù tình hình dịch bệnh có thay đổi nhưng chúng ta cần phải kiên trì theo đúng các nguyên tắc chống dịch, “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Xác định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là vấn đề toàn cầu, cần có sự đồng bộ, tham gia và hợp tác quốc tế, Việt Nam thực hiện các biện pháp mạnh, sớm và chủ động nhưng luôn trao đổi, thuyết phục để tìm được sự đồng thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ông đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị của ngành y tế làm việc với các nhà mạng di động, cơ quan báo chí, công ty công nghệ thông tin để đưa thông tin kịp thời, minh bạch nhất có thể đến người dân, cả trên các mạng xã hội. “Chúng ta phải minh bạch để cảnh báo nguy cơ và đặc biệt là những việc cần làm để mọi người dân tham gia chống dịch. Đây không phải là việc của ngành y tế, bộ đội biên phòng, công an cửa khẩu… mà đầu tiên và tiên quyết là từng người dân phải ý thức được, cùng tham gia”.
Đây cũng là lần đầu tiên quân đội ra quân ở quy mô toàn quốc tham gia chống dịch, có thể coi là một đợt diễn tập về tình huống ứng phó dịch bệnh nói riêng và các sự cố an ninh phi truyền thống nói chung.
“Đến ngày hôm nay với tất cả sự khiêm tốn cầu thị, có thể nói chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Việt Nam là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào hàng cao nhất do có biên giới đất liền với Trung Quốc, các hoạt động giao thương đi lại đường bộ, đường không, đường thuỷ… rất lớn nhưng chỉ có 16 ca dương tính COVID-19. Chúng ta đã kết hợp nhiều biện pháp, chữa thành công các trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có cả những người bị bệnh nền, tuổi cao, người nước ngoài, người Việt Nam và cả cháu bé 3 tháng tuổi. Đến giờ phút này toàn bộ 16 bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Việt Nam đã khỏi hoàn toàn”, Phó Thủ tướng nói.
Một trong những bài học rút ra là việc điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay ở tuyến dưới, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin để các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành hỗ trợ chứ không tập trung vào một nơi.
"Nếu chống dịch COVID-19 như một cuộc chiến thì chúng ta đã thắng trận mở màn nhưng chưa thắng cả cuộc chiến vì tình hình thay đổi rất khó lường. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có niềm tin và bám sát vào những nguyên tắc đã chỉ đạo, kiên định, kiên trì, không vì điều gì từ bỏ nguyên tắc chống dịch, đề cao cảnh giác, không phút nào được lơi lỏng", Phó Thủ tướng trao đổi.
Đề cao cảnh giác
Bày tỏ vui mừng vì người dân đã hiểu biết đúng hơn về cơ chế lây nhiễm, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và các cách tự phòng bệnh cho mình, khả năng chữa trị, không còn tâm lý lo sợ thái quá, có những hành vi không cần thiết như thời gian đầu, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lo lắng khi ở một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơi lỏng.
Ông yêu cầu tất cả các cấp chính quyền không được lơi lỏng, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch. “Cách ly là biện pháp tốt nhất, dù có sự bất tiện đối với người được cách ly nhưng đây là trách nhiệm đối với sức khoẻ của chính những người này và cộng đồng. Chúng ta thuyết phục mềm dẻo nhưng kiên quyết”.
Nhấn mạnh ngoài việc chống dịch thành công còn cần đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường, trong điều kiện có dịch, Phó Thủ tướng cho biết gần đây Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế có các bước chuẩn bị, hướng dẫn để du lịch an toàn, đi học an toàn.
“Chúng ta nói quay lại bình thường nhưng không thể bình thường như lúc không có dịch mà phải có thêm các biện pháp bổ sung để bảo đảm an toàn, làm yên lòng, an tâm người dân”, Phó Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh vai trò của các hoạt động truyền thông để người dân hiểu đúng về dịch bệnh, không chủ quan nhưng không lo sợ thái quá và có những hành động không cần thiết, gây tốn kém và bất an trong xã hội. Làm sao để người dân tham gia cùng chính quyền phát hiện, cách ly, quản lý, giám sát những có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
“Vừa học, vừa làm. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chúng ta phải đúc kết, phổ biến ngay những bài học, kinh nghiệm trong quá trình phòng, chống dịch, điều trị bệnh nhân. Sau đợt chống dịch này phải đúc kết lại thành những kịch bản, phương án, cơ chế điều hành khi có dịch bệnh trong tương lai”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Theo Chính phủ