Đấy, cứ như bà lão Mai làng tôi. Bà chúa ghét cái trò nằm viện. Thế mà rồi cuối cùng, bà lại phải vào viện. Mà đâu chỉ chuyện nằm viện, bà còn dị ứng với cả giới khoa học, nhìn đâu cũng thấy vi trùng.
Cứ như lời bà thì các nhà khoa học chỉ là một lũ bệnh hoạn, mách qué. Ăn no, rửng mỡ rồi nói lăng nhăng. Không phải chỉ nói linh tinh trong những buổi tuyên truyền vệ sinh dịch tễ ở xóm, ở phường, mà họ còn viết đầy cả lên mặt báo.
Thì đấy! Họ bảo hôn nhau là đổ vào miệng nhau hàng triệu triệu con vi trùng. Tởm! Thế chả nhẽ trước khi hôn nhau, lũ trẻ ranh cứ phải nhúng miệng vào nước sôi, hay đeo khẩu trang hoặc sát cồn và bôi I-ốt ư? Ngày xưa, nuôi con, bà toàn nhai cơm rồi mớm cho chúng. Miếng cơm đỏ nhoét nước quết trầu. Thế mà có thấy con vi trùng nào đâu. Sáu đứa con bà lớn lên, trông thằng nào cũng ùng ục như đô vật cả.
Cũng cứ theo lời bà thì giời sinh voi, giời ắt sẽ sinh cỏ. Rồi đâu cũng vào đấy tất. Bệnh tật nào giời sinh ra, giời cũng lại cho thuốc chữa trị. Thuốc đầy vườn kia kìa. Thuốc trong cây lá đấy. Nếu bị táo bón thì ăn ngọn lang luộc. Còn đi ngoài thì chỉ nhá mấy cái nõn ổi. Thế là khỏi. Khỏi tất. Tài thế! Bởi vậy bà Mai chẳng bao giờ phải bước chân đến cổng bệnh viện.
Vậy mà rồi tới cái tuổi sáu mươi, ai ngờ giời lại hại bà. Bà ra cầu ao, vặt mấy cái nõn vối. Thế rồi trượt chân ngã. Cứ tưởng chỉ sơ sơ, ai ngờ gãy béng cánh tay phải. Buốt nhói đến tận óc. Gãy xương thì không thể dùng lá sung hay lá ổi vườn nhà mà đắp được. Phải vào viện. Bà Mai sợ bệnh viện lắm.
Thì báo chí cũng đã nói đấy. Con người ta đau bụng, ông bác sĩ nào đó ở bệnh viện Hà Tây lại đè ra mổ, rồi cắt béng luôn một quả thận. Rồi chuyện bác sĩ bỏ quên dao kéo, bông gạc trong bụng bệnh nhân ở những bệnh viện nào nữa?
Khiếp! Dao kéo đâu có biết chết mà chúng nó "chôn" béng luôn trong bụng bệnh nhân. Nghe mà vãi linh hồn! Thế nên có phải vào viện, bà Mai cứ phải lên bệnh viện Trung ương. Dù chỉ bôi tí thuốc đỏ, bà cũng phải lên thẳng Trung ương. Bà không tin cái lũ bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh. Mặc dù cái tay bà gẫy, kiểu gẫy cắm, không phải chỉnh nắn, mổ xẻ, chỉ cần đến bệnh viện huyện, bó bột cũng đã xong.
Hôm vừa rồi, tôi mới có dịp về quê ghé thăm bà. Bà ngồi liệt ở nhà, chẳng còn đi đâu được. Một tay bó bột, còn một tay bó nẹp tre. Cái tay bó nẹp tre là con trai bà bó. Bà bảo, năm nay, bà mất toi cái Tết. Tuy thế, bà vẫn vui lắm:
-
Thời đại bây giờ tiến bộ cũng có khác. Bác sĩ nó toàn chữa mẹo thôi cháu ạ!
-
Sao lại chữa mẹo? - Tôi kinh ngạc.
-
Thì đây này! Tao gãy tay phải, chúng nó lại đè nghiến ra, bó...tay trái. Thế không phải chữa mẹo thì chữa cái kiểu gì?...
Trần Đăng Khoa