Nhiều tàu du lịch neo đậu tại Cảng tàu quốc tế Tuần Châu (T.P Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) bị hư hại nghiêm trọng do cơn bão số 3.

Trong 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm do Chính phủ đề ra để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế đang được Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và các địa phương tích cực triển khai. Đây là giai đoạn quan trọng về hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, người nông dân khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và nhu cầu thực phẩm cuối năm.

Theo thống kê sơ bộ, tổng thiệt hại về tài sản do cơn bão số 3 gây ra hơn 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... có thể giảm trên 0,5% so với dự báo. Số liệu của các ngân hàng cho biết: Khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Nhiều tài sản có giá trị lớn của không ít doanh nghiệp đã bị hư hỏng như nhà xưởng, tàu thuyền, cầu cảng, tàu bè, máy móc, trang thiết bị, hàng hóa... Nhiều cơ sở sản xuất, trang trại, gia trại tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản, đánh bắt thủy hải sản...

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế bị ảnh hưởng của bão số 3, Cục Thuế T.P Hà Nội sẽ triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm trong trường hợp gặp thiên tai. Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại. Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ. Người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất đến tài nguyên đã kê khai, nộp thuế thì được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau...

Nhằm đảm bảo công tác khắc phục thiệt hại sau bão diễn ra hiệu quả và kịp thời, T.P Hải Phòng tập trung mọi nguồn lực, rà soát thiệt hại, và thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp. Ngay sau bão, lãnh đạo thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo quyết liệt nên điện, nước nhanh chóng được cấp trở lại; thông tin liên lạc được khôi phục; phần lớn các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Việc thành phố kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người lao động cũng góp phần giúp các doanh nghiệp giữ chân lao động. Chủ tịch UBND T.P Hải Phòng giao Sở Tài chính cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay kịp thời phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo mức lãi suất thấp nhất có thể.; giảm, giãn, miễn thuế; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các khu công nghiệp và doanh nghiệp trong khu công nghiệp; giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong khu công nghiệp. Đồng thời đề nghị các công ty, đơn vị bảo hiểm đẩy nhanh quá trình thẩm định và bồi thường thiệt hại, giúp doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh...

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đến ngày 18-9, bão số 3 đã gây ảnh hưởng khoảng 312.000ha cây trồng các loại, 23.595ha nuôi trồng thủy sản. Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất nông nghiệp, Bộ NNPTNT cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp. Tổng số tiền hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua Bộ đến ngày 18-9 là hơn 17 tỷ đồng, trong đó có 18 doanh nghiệp, hiệp hội ủng hộ cây giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... cùng tiền mặt trị giá 15,2 tỷ đồng. Điển hình Công ty cổ phần Tập đoàn Thaibinh Seed do doanh nhân CCB Trần Mạnh Báo làm Chủ tịch HĐQT đã ủng hộ 30 tấn giống ngô và 20 tấn giống lúa, trị giá 3 tỷ đồng. Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ: “Trên cơ sở tổng hợp của Bộ NNPTNT, Công ty sẽ phân bổ sự hỗ trợ theo chỉ đạo của Bộ và giao trực tiếp đến địa phương để đảm bảo đúng giống địa phương có nhu cầu về giống lúa, ngô, rau màu, đảm bảo hiệu quả trong hỗ trợ. Chúng tôi cam kết không tăng giá giống để người dân yên tâm sản xuất”.

Nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khắc phục thiệt hại do bão, lũ, có 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng quy mô 405 nghìn tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%. Ngoài ra, đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho những khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 mà không cần khách hàng đề nghị.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở và người dân khắc phục hậu quả thiên tai, “lấy đà” vực dậy sản xuất, rất cần những giải pháp đồng bộ về miễn, giảm các loại thuế, phí; giãn hoãn khoản vay ngân hàng, giảm chi phí thuê đất, phí BOT, logistics; giảm bớt thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần khẩn trương kê khai thiệt hại để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có thể được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hồ Thanh Hương