Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu và tướng Phạm Văn Phú tại Trung đoàn 44, Sư đoàn 23 ngày 1 Tết Ất Mão ở Pleiku.
Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về nhiệm vụ tiến công chiến lược trong năm 1975, Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng tư lệnh quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng đột phá mở màn; giao cho Mặt trận B3 mở Chiến dịch Nam Tây Nguyên, mục tiêu then chốt quyết định là thị xã Buôn Ma Thuột. Để giành thắng lợi, cùng với việc khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức nghi binh thu hút địch về hướng bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện cho hướng chủ yếu đánh trận then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột. Các hoạt động nghi binh được tiến hành một cách tổng hợp, tích cực, kịp thời ngay từ đầu năm.
Trước tiên, Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ đạo Sư đoàn 10 ở hướng Kon Tum dùng pháo cối bắn vào thị xã Kon Tum và tổ chức đánh nhỏ các mục tiêu quanh thị xã. Dân công các huyện 40, 80, 70, 30 được huy động rầm rộ làm đường vào thị xã Kon Tum…Trước những động thái đó của ta, địch phán đoán ta sẽ mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên; Kon Tum sẽ là mục tiêu chủ yếu. Các liên đoàn biệt động quân 21, 22, 23, 6 lập tức được điều về Kon Tum để sẵn sàng đối phó với ta. Ở hướng Gia Lai, Sư đoàn 320, Trung đoàn 95A, Trung đoàn đặc công 198 liên tiếp tiến công các vị trí của địch trên tuyến đường 19 ở cả hai phía tây và đông Pleiku. Sư đoàn 320 trinh sát khu vực Pleime và chiến trường Pleiku, cố tình chạm các tổ thám báo, tuần tiễu của địch nhằm để lộ các dấu hiệu của việc chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Tất cả những việc làm đó của ta đã làm cho địch hết sức chú ý. Chúng lại phán đoán ta sẽ đánh Pleiku, nên vội vã điều Liên đoàn 23 biệt động quân từ Kon Tum về Pleiku, cùng với Trung đoàn 44 và 45 (Sư đoàn 23) phòng giữ Pleiku.Vậy là, phần lớn lực lượng cơ động của địch đã bị hút về Bắc Tây Nguyên.
Từ giữa tháng 1-1975, Sư đoàn 320 (Mặt trận B3) được lệnh bí mật di chuyển từng đơn vị vào phía Nam, để lại một bộ phận nhỏ làm nghi binh. Sư đoàn 10 cũng được lệnh rút khỏi phòng tuyến Võ Định cùng lực lượng xe tăng, pháo binh chiến dịch bí mật cơ động vào tây Đắc Lắc. Cùng lúc, Sư đoàn 968 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) mới từ Hạ Lào về bí mật vào thay chân Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Các đơn vị rút đi nhưng mạng thông tin cũ vẫn được duy trì. Đang tập trung chú ý vào hướng Bắc Tây Nguyên thì địch phát hiện Sư đoàn 10 và 320 tổ chức ăn Tết trước; thấy Sư đoàn 968 của ta xuất hiện ở nam Pleiku. Điều đó làm cho tình báo Mỹ và quân ngụy Sài Gòn khẳng định ta sẽ tấn công Kon Tum và Pleiku.
Việc tổ chức nghi binh đang diễn tiến thuận lợi thì một tình huống phức tạp đã xảy ra: Ngày 23-2, tình báo địch phát hiện Trung đoàn 25 của ta đang di chuyển sang đường 21 và Sư đoàn 10 hành quân về phía Nam. Chúng đoán ta đánh Đức Lập, Gia Nghĩa để nối thông đường hành lang chiến lược với Nam Bộ. Trung đoàn 53 (của địch) liền được điều động đi lùng sục nhưng không phát hiện được gì. Chúng lại đoán ta đánh Buôn Ma Thuột. Lập tức Trung đoàn 53 được điều về càn quét vùng Quảng Nhiêu, Buôn Hồ. Trung đoàn 45 ở Pleiku cũng được đổ xuống lùng sục ở tây Thuần Mẫn - khu vực ém quân của Sư đoàn 320 của ta. Cùng thời gian này Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đến thị sát Tây Nguyên và ăn bữa cơm ngày 1 Tết tại Trung đoàn 44 (Sư đoàn 23 bộ binh) đang bảo vệ Pleiku. Sau khi nghe báo cáo, Thiệu chỉ thị cho tướng Phạm Văn Phú: “Cho toàn bộ Sư đoàn 23 về Buôn Ma Thuột, tăng cường thêm một chi đoàn M48. Ngoài ra, tôi sẽ tăng cường cho anh thêm 1 liên đoàn biệt động quân để làm lực lượng dự bị”. Tướng Phú trả lời: “Vâng, tôi sẽ thi hành theo kế hoạch của Tổng thống” (*).
Tình hình trở lên phức tạp, Bộ Tư lệnh chiến dịch tập trung nghiên cứu, phân tích kỹ từng hành động của địch và đi đến kết luận: Những hoạt động của địch chỉ mang tính chất thăm dò rời rạc, cục bộ, chúng chưa phát hiện được lực lượng và hướng chính của chiến dịch. Bộ Tư lệnh chiến dịch liền lệnh cho Sư đoàn 320 lui sâu lên phía Tây, tránh đụng độ với địch; lệnh cho Sư đoàn 968 tiến công tiêu diệt chốt Mỹ, bức rút đồn Tầm, đánh chiếm dãy điểm cao Chư Kara, Chư Gôi, 605 nằm trong tuyến phòng ngự tây nam Pleiku, uy hiếp mạnh căn cứ Thanh Bình, quận lỵ Thanh An. Hướng Kon Tum, Sư đoàn 968 cũng được lệnh tiếp tục đánh nhỏ các căn cứ xung quanh thị xã và cắt đường 14 ở nam Tân Phú. Đang lúng túng vì chưa tìm được dấu vết gì của Sư đoàn 10 và 320, lại bị đánh mạnh ở hướng Bắc, Phạm Văn Phú phớt lờ lệnh của Thiệu, bốc ngay Trung đoàn 45 về ứng cứu cho Thanh An để bảo vệ Pleiku.
Để tiếp tục làm cho địch tin vào nhận định của chúng và tạo điều kiện cho hướng chủ yếu làm công tác chuẩn bị, Bộ Tư lệnh chiến dịch lệnh cho Trung đoàn 95A, đồng thời đề nghị Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Quân khu 5 chỉ đạo Sư đoàn 3 hoạt động mạnh trên đường 19. Chấp hành mệnh lệnh trên, các đơn vị của ta bất ngờ nổ súng tiến công tiêu diệt một loạt các vị trí địch trên tuyến đường 19; Trung đoàn 25 cắt đường 21, Trung đoàn 9 (Sư đoàn 320) cắt đường 14 ở bắc Ea H’leo. Nằm trong kế hoạch tác chiến, Sư đoàn 320 lệnh cho Trung đoàn 48 cắt đường 14 ở bắc Cẩm Ga, tiến công tiêu diệt quận lỵ Thuần Mẫn; Trung đoàn 64 tiến công và làm chủ quận lỵ Buôn Hồ. Sư đoàn 10 bất ngờ tiến công quận lỵ Đức Lập, tiêu diệt căn cứ Núi Lửa và căn cứ 23. Đến đây, thế trận của chiến dịch đã cài xong, ta áp đảo địch về tương quan lực lượng ở Buôn Ma Thuột, vì địch chỉ có Sư đoàn bộ Sư đoàn 23, Trung đoàn 53 (thiếu) và một số tiểu đoàn pháo, thiết giáp. Cuộc đấu trí giữa ta và địch đã ngã ngũ.
Bằng nghệ thuật nghi binh sáng tạo, ta đã từng bước điều động quân địch theo ý đồ của ta, giam chân một lực lượng lớn quân địch ở Bắc Tây Nguyên, cô lập Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt Kon Tum, Pleiku với Buôn Ma Thuột, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ yếu của chiến dịch tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Trận then chốt đột phá vào thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 được thực hiện đúng kế hoạch, giành thắng lợi nhanh chóng. Đòn điểm huyệt quá hiểm, quá mạnh đó làm quân địch choáng váng, vô cùng lúng túng, bị động, chống đỡ yếu ớt, đi nhanh đến quyết định sai lầm rút bỏ Tây Nguyên, dẫn đến thất bại hoàn toàn vào ngày 30-4-1975.
Trọng Tân
* Tường trình của Trung tá Ngô Văn Xuân - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 44, Sư đoàn 23, Quân lực Việt Nam Cộng hòa.