Từ khi ban hành năm 2005, Pháp lệnh Cảnh vệ thực sự là văn bản pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh vệ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ Đảng, Chính quyền, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thời gian 10 năm thi hành cho thấy Pháp lệnh Cảnh vệ đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, bất cập; cần nghiên cứu xây dựng một đạo luật mới thay thế Pháp lệnh Cảnh vệ hiện hành, bảo đảm cho công tác bảo vệ và hoạt động cảnh vệ hiệu quả, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.
So với Dự thảo trước, Dự thảo Luật Cảnh vệ lần này đã được hoàn thiện và tiếp thu nhiều ý kiến tham gia đóng góp của các cơ quan, bộ, ngành, trong đó có ý kiến tham gia của CCB. Nội dung Dự thảo Luật đã quán triệt và thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; cụ thể hóa quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013. Dự thảo đã đưa nhiều quy định tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong tình hình mới.
Riêng về đối tượng cảnh vệ, đề nghị không nên mở rộng đối tượng cảnh vệ ngoài đối tượng được quy định tại Khoản 1, Điều 10 Dự thảo Luật. Chính phủ đã tiếp thu nhiều ý kiến-trong đó có ý kiến tham gia với Ban soạn thảo của CCB không mở rộng thêm đối tượng cảnh vệ và trình Quốc hội kế thừa quy định đối tượng cảnh vệ như Pháp lệnh Cảnh vệ năm 2005 là hợp lý.
Vấn đề sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23 Dự thảo Luật), đề nghị phải được quy định rất chặt chẽ, cụ thể; không nên quy định “dẫn chiếu” hoặc “Luật khung” như trong Dự thảo; nên quy định cụ thể từng trường hợp được nổ súng để tránh lạm dụng hoặc do dự trong khi thi hành nhiệm vụ của cảnh vệ. Do vậy, cần nghiên cứu chỉnh lý lại về nội dung Điều 23 Dự thảo Luật theo hướng “Trường hợp nào được nổ súng, trường hợp nào không được nổ súng” cho rõ ràng, không quy định chung chung. Bởi Điều 19 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ, không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật”.
Việc “nổ súng tiêu diệt” đối tượng quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 23 của Dự thảo Luật-là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền sống của con người, phải quy định hết sức chặt chẽ. Nếu quy định như Dự thảo Luật “khi có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ, thì được nổ súng tiêu diệt”, là không chặt chẽ, dễ lạm dụng. Vấn đề là không thể quy định theo tình huống mang tính giả định như Dự thảo Luật. Thực tế, đối tượng có hành vi tấn công đối tượng cảnh vệ hoặc hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ nhưng hành vi tấn công không thật sự nguy hiểm, không trong tình thế cấp bách trong khi vẫn còn cách khác để ngăn chặn đối tượng tấn công, thì nổ súng tiêu diệt đối tượng là không thỏa đáng.
Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, chỉnh lý lại Điểm c, Khoản 2, Điều 23 của Dự thảo luật để quy định chặt chẽ vấn đề này.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được-Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội
(*) Đầu đề của Báo CCB Việt Nam