Đại tá Nguyễn Long Biên-Phó cục trưởng TCĐT (Bộ Tổng tham mưu) cho biết: Hoạt động TCĐT là cuộc chiến không khói súng, nhưng là một trong những nhân tố quan trọng quyết định thành bại trên chiến trường. Một trong những cái khó chủ yếu của bộ đội TCĐT trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là: các trang thiết bị kỹ thuật, khí tài mới hiện đại đưa vào huấn luyện đòi hỏi người học phải có trình độ, vốn ngoại ngữ. Hai là, lực lượng đóng quân phân tán, hoạt động trong môi trường cả ở trên không, đất liền và trên biển. Trong khi đó, các thế lực thù địch sử dụng hệ thống điện tử, internet để tuyên truyền kích động, tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trước thực tế, Cục TCĐT đã chủ động hợp tác với các chuyên gia nước ngoài bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, kỹ sư, trắc thủ. Thành lập các tổ chuyên sâu nghiên cứu, khai thác trang bị, khí tài mới, soạn giáo trình huấn luyện sát đối tượng và yêu cầu nhiệm vụ, với phương châm “tự huấn luyện là chính”. Nhờ biết cách khắc phục khó khăn, tổ chức huấn luyện theo đúng các phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, “đi tắt, đón đầu” nên lực lượng TCĐT ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Tại Trung tâm Trinh sát TCĐT 95, để huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đơn vị xây dựng bài giảng mẫu có ghi âm, ghi hình rồi làm đĩa gửi đến các tổ, trạm lẻ; tổ chức học ngoại ngữ; phối hợp tổ chức bồi dưỡng những nội dung mới và khó. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp, trắc thủ; cử cán bộ trực tiếp đến các tổ, trạm đài lẻ bồi dưỡng, huấn luyện bộ đội, đi đôi làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo đời sống bộ đội... Do vậy đến nay, theo Trung tá Tạ Xuân Trường-Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Trung tâm thì bộ đội đã sử dụng thuần thục các phương tiện kỹ thuật mới và phương án chiến đấu cả ngày lẫn đêm, với tinh thần “Đã lên xe là vào nhiệm vụ chiến đấu”. Một trong những tấm gương điển hình là Thượng úy Trần Văn Tý-phụ trách Trạm Trinh sát định vị sóng ngắn số 2. Chàng sĩ quan quê Nghệ An, có bố tuổi cao sức yếu, mẹ đã mất, vợ là giáo viên, hai con còn nhỏ phải gửi về quê để ông nội chăm sóc. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Trần Văn Tý vẫn làm đơn tình nguyện lên công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhưng anh cùng đồng đội khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng tôi cũng như anh em trong đơn vị thu xếp công việc gia đình ổn thỏa để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Tôi rất vui và tự hào được đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - Thượng úy Tý thổ lộ.
Thượng tá Đỗ Khắc Chiến-Chính ủy Lữ đoàn TCĐT 84 tâm sự: Trong huấn luyện, đơn vị gặp không ít khó khăn, nhất là huấn luyện bộ đội sử dụng khí tài mới khi quan sát dải sóng phải biết cách tính toán, xử lý, phân loại, đánh giá thông tin. Do tổ chức huấn luyện chặt chẽ, coi trọng huấn luyện trình độ kỹ, chiến thuật TCĐT cho các kíp chiến đấu, cho nên hằng năm, 100% các kíp đài huấn luyện đều đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi trở lên. Thiếu tá Đào Văn Quân-Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, người từng cùng tổ TCĐT của Lữ đoàn 84 phối hợp cùng tàu của Vùng 3 Hải quân làm nhiệm vụ dài ngày trên biển chia sẻ: Lên tàu cùng cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ, sóng to, gió lớn, anh em trong tổ phải làm việc độc lập; hoạt động trong môi trường nước biển mặn, máy móc, khí tài thường xuyên phải bảo quản, gia cố chắc chắn để không bị hư hỏng, hoặc rơi xuống biển. Anh em khắc phục mọi khó khăn, duy trì chế độ canh trực 24/24 giờ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong bộn bề những khó khăn, thử thách, cán bộ, chiến sĩ TCĐT vẫn nỗ lực, miệt mài trên mặt trận vô hình. Như lời tâm sự chân tình của Trung úy Bùi Văn Nho-Đài trưởng thuộc Lữ đoàn 84: “Công việc độc lập, lặng thầm nhưng không kém phần căng thẳng, khó khăn. Song tôi cũng như anh em trong đơn vị sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, bởi luôn tự hào được là người lính gác không gian bầu trời Tổ quốc, để đất nước mãi bình yên”.
Trần Quyết