Một chuyên gia cao cấp ADB đánh giá: “Các đập thuỷ điện do Trung Quốc xây dựng giữ lại một lượng nước lớn lên đến 50 tỷ mét khối, chiếm trên 50% lượng nước thượng nguồn sông Mekong, khối lượng phù sa bị giữ lại tương ứng 125 triệu tấn/năm. Như vậy, dòng chảy trung bình hằng năm chỉ còn 60% so với trước khi có các công trình được xây dựng”. Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Henry Stimson (Mỹ) chỉ rõ: “Việc chặn dòng chảy để xây dựng các đập thủy điện trên sông sẽ ngăn cản sự di cư tự nhiên của các loài cá khiến hơn 70% lượng cá của dòng sông biến mất, dẫn đến tình trạng khoảng 80% cư dân sống bằng nghề cá mất việc làm. Ngoài ra, việc chặn dòng chảy cũng sẽ dẫn đến tình trạng ngập mặn ở vùng hạ lưu và làm giảm lượng phù sa của con sông, ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp, nhất là ngành trồng lúa, đe dọa đến an ninh lương thực và an sinh xã hội của khu vực”.
ĐBSCL của Việt Nam là nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do khu vực này phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước từ sông Mekong. Việc tích nước và vận hành các đập thuỷ điện phía thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy, sụt giảm lượng phù sa… buộc người trồng lúa phải tăng chi phí cho phân bón, kéo theo giá lúa bị đẩy cao hơn. Hiện các tỉnh ĐBSCL đang phải trải qua đợt hạn hán và xâm nhập mặn chưa từng có, nước mặn lấn sâu vào đất liền tới 70-90km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15-20km, làm hàng trăm nghìn héc-ta lúa của người dân bị thiệt hại.
Trong khi đó, đang diễn ra tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước để tiếp cận nguồn nước trên khu vực Mekong. Đơn cử, Thái Lan đang hút một lượng nước lớn từ sông Mekong để dự trữ, đồng thời sắp xây một số cửa chắn nước từ các nhánh sông Mekong và xây ba hồ chứa nước dự trữ phục vụ nông nghiệp nước này. Cách làm này không chỉ gây ra sự xuống cấp nghiêm trọng về môi trường tự nhiên, mà còn ảnh hưởng đến an ninh và ổn định của cả khu vực và toàn cầu.
Công ước của LHQ về Luật Sử dụng các dòng chảy quốc tế cho các mục đích phi giao thông đường thủy đã nêu rõ việc sử dụng nguồn nước liên quốc gia phải được thực hiện một cách “công bằng”, “hợp lý”, thực hiện nghĩa vụ phối hợp hành động “không gây hại đáng kể” đối với các quốc gia chung lưu vực. Các nước Tiểu vùng Mekong hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý sử dụng bền vững nguồn nước để Mekong luôn là con sông của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông.
Nguyên Phong