Trong một buổi kể chuyện mình, đang hồ hởi, ồn ào với hồi ức những ngày được tham gia Festivan thanh niên thế giới lần thứ 11 (năm 1978) ở Lahabana, Cu Ba, anh Hưởng bỗng chùng giọng xuống khi nói về cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc năm 1979; về những đau thương mất mát của đất nước và gia đình. Thay cho những thanh âm rổn rảng, bừng bừng khí thế, tiếng anh như nghẹn lại:

  • Cuối năm 1978 - đầu 1979 ngờ đâu "Việt Nam - Trung Hoa mối tình hữu nghị thắm như Biển Đông..." bỗng dưng Biển Đông nổi sóng, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía Bắc... Để chống lại quân Trung Quốc xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, biết bao đồng bào đồng chí của chúng ta đã anh dũng hy sinh, trong đó có Dì Chiêm-em vợ tôi.
    Theo anh Hưởng thì gia đình bên vợ anh-ông Hoàng Vĩnh Hảo và bà Nguyễn Thị Lượng sinh được 9 người con. Vợ anh-chị Hoàng Thị Liễm là con thứ hai và Hoàng Thị Hồng Chiêm là con thứ ba. Hồng Chiêm sinh năm 1954, hiền lành, nết na có tiếng ở đất Bình Ngọc, Móng Cái. Tốt nghiệp cấp II phổ thông, trong khi gia đình muốn Chiêm học lên cấp III, còn cán bộ xã có ý định gửi cô đi học tài chính để về làm kế toán hợp tác xã thì Chiêm lại bí mật rủ bạn viết đơn xin đi bộ đội. Tháng 8-1971, cô nhập ngũ khi mới 17 tuổi, là chiến sĩ Trung đoàn 8 đóng ở Ba Chẽ, Quảng Ninh.
    Bốn năm tại ngũ, Hồng Chiêm được nhiều người biết tiếng là một cây văn nghệ, một cầu thủ bóng chuyền và một xạ thủ cừ khôi... Chiến tranh chống Mỹ kết thúc Hồng Chiêm xuất ngũ, chuyển sang công tác trong Ngành Thương nghiệp, là nhân viên Bách hóa tổng hợp huyện Móng Cái. Cuối năm 1975, cửa hàng bách hóa Pò Hèn (tên một ngọn núi cao sát đường biên giới với Trung Quốc) cần người, Hồng Chiêm xung phong lên bán hàng trên đó. Tại đây đã nảy nở tình yêu giữa Hồng Chiêm với Bùi Anh Lương - cán bộ Đội vận động quần chúng của Đồn biên phòng 209 (Đồn Pò Hèn). Cũng theo anh Hưởng, vào Tết Kỷ Mùi 1979, Hồng Chiêm thông báo với gia đình là đã xin phép đơn vị của Lương và cơ quan Dì, ra giêng hai người sẽ làm lễ cưới. Nhưng chiến tranh, đúng hơn là quân xâm lược đã cướp đi tuổi xuân và tình yêu của họ.
    Đêm 16-2-1979, Hồng Chiêm nhận lệnh chuyển số hàng còn lại của cửa hàng ở Pò Hèn, đề phòng chiến sự sẽ nổ ra. Công việc vừa xong thì lính Trung Quốc đã tràn sang. Với khẩu CKC và hai quả lựu đạn, người con gái hiền hậu, thùy mỵ đất Bình Ngọc đã dõng dạc khẳng định với Cửa hàng trưởng và đồng nghiệp: "Các anh cứ đi trước, để em yểm trợ. Trước ở Trung đoàn 8 làm đường Ba Chẽ, em đã được huấn luyện dùng súng và lựu đạn rồi...". Yểm trợ cho mọi người rút xong, Hồng Chiêm không về tuyến sau mà chạy ngược lên chốt cùng chiến đấu với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209.
    Thấy Hồng Chiêm xuất hiện khi chiến sự đang diễn ra ác liệt, vả lại Chiêm và Lương chuẩn bị làm lễ cưới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng khuyên chị về tuyến sau, nhưng chị kiên quyết xin Đồn phó Đỗ Sĩ Hoa được ở lại chốt. Vừa băng bó sơ cứu thương binh, chuyển thương, Hồng Chiêm vừa tiếp đạn cho bộ đội và trực tiếp cùng bộ đội chiến đấu. Địch tập trung pháo 130 ly oanh kích đồi Quế, mặc dù bị thương, máu ướt đẫm cánh tay, nhưng chị vẫn không rời trận địa. Khi Đồn phó Đỗ Sĩ Hoa hy sinh, Chiêm gần như là "thủ lĩnh" tinh thần của bộ đội. Một tay bị thương, không sử dụng được CKC, chị đã dùng súng ngắn của Đồn phó để chiến đấu và chỉ chịu ngã xuống khi trúng một loạt đạn bắn thẳng của quân thù.
    Mặc dù đã chiến đấu kiên cường, tiêu diệt hàng trăm tên xâm lược, nhưng trong cuộc chiến không cân sức, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 209 đã anh dũng hy sinh, trong đó có Bùi Anh Lương-người yêu của Hồng Chiêm.
    Cùng với Hồng Chiêm, còn nhiều nữ tự vệ Lâm trường Hải Ninh đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược đầu năm 1979. Đó là: Nguyễn Thị Ruỗi sinh 1962 (17 tuổi), quê Tiên Lãng, Hải Phòng; Võ Thị Tới sinh năm 1961 (18 tuổi), Đặng Thị Vượng, Đỗ Thị Mâu, Hoàng Thị Nết, Nguyễn Thị Lèn, Vũ Thị Mười, Cao Thị Lừng... Hình như những nữ tự vệ ấy ngã xuống, chưa cô nào có người yêu như Hồng Chiêm!
    Để ca ngợi gương chiến đấu hy sinh anh dũng của Hoàng Thị Hồng Chiêm, ngay trong những ngày tiếng súng còn vang trên bầu trời biên giới đã có ba ca khúc viết về chị làm lay động lòng người, cỗ vũ quân và dân ta quyết chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đó là: "Bài ca trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Thế Song, "Bông hoa Hồng Chiêm" của nhạc sĩ Dân Huyền và "Người con gái trên đỉnh Pò Hèn" của nhạc sĩ Trần Minh.
    Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng còn cho biết, năm 1984, tên của Dì Chiêm được địa phương đặt thay cho tên Trường trung học cơ sở Bình Ngọc; nhưng gần đây không biết vì nguyên do gì mà Trường lấy lại tên cũ? Cùng với mang tên của Hồng Chiêm, giữa sân trường có dựng tượng Dì bằng xi măng cốt thép; bức tượng dung dị, hiền lành đúng như con người Dì mà vẫn toát lên khí chất Anh hùng, Bất khuất ... của phụ nữ Việt Nam.
    Gói lại những hồi niệm về Dì Chiêm, anh Hưởng nhâm nhẩm đọc mấy câu trong bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Giang Nam: "...Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi...".
    Căn phòng lúc đó như lắng lại, chuông gió trên đầu ngừng kêu. Tôi và anh ngoảnh mặt hai nơi, đưa tay quẹt nước mắt!
    Duy Tường