Cứ tin vào lời nói thì từ Chủ tịch Trung Quốc-Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao-Vương Nghị đến người phát ngôn Bộ Ngoại giao-Hoa Xuân Oánh đều khẳng định các công trình xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và bãi đá trên Biển Đông (chiếm của Việt Nam) chỉ nhằm mục đích phục vụ dân sinh, giao thương quốc tế. Họ đều nói: "Trung Quốc không có ý định quân sự hóa biển Đông".
Nhưng theo dõi việc làm thì hoàn toàn không phải thế: Đầu tháng 8-2015, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: "Từ ngày 3-5-2015, Trung Quốc sẽ dừng các hoạt động cải tạo ở Trường Sa", nhưng các ảnh vệ tinh đều chứng minh các hoạt động đó vẫn xúc tiến. Kể từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã đắp được hơn 1.170ha trên các bãi đá cưỡng chiếm.
Ảnh vệ tinh ngày 24-1-2016 của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington phát hiện trên đá Châu Viên (chiếm của Việt Nam), công trình xây dựng thuộc hệ thống ra-đa tần số cao có thể kiểm soát vùng trời và vùng biển trên khắp biển Đông. Cũng phát hiện ra-đa trên đá Gaven, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Chữ Thập khiến chuyên gia Gregory Poling của CSIS cho rằng "Các ra-đa Trung Quốc bố trí ở Trường Sa là nhiều hơn mức cần thiết để giám sát và đảm bảo an toàn giao thông dân sự. Việc Trung Quốc làm giống như là xây lâu đài nhưng biện minh rằng sẽ chỉ làm sàn nhà. Hệ thống ra-đa đã đặt ra đe dọa với các nước xung quanh bị kiểm soát chủ quyền, buộc mọi hoạt động của họ phải được sự chấp nhận của Trung Quốc". Chuyên gia cấp cao Ian Story tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore nói thẳng: "Trên đá Chữ Thập không cần đường băng dài tới 3.000m để cất hạ cánh máy bay dân sự, cũng không cần ra-đa tần số cao để cung cấp cảnh báo sớm về giao thương thương mại trên đường biển". Tình báo quốc gia Hoa Kỳ khẳng định: "Trung Quốc lắp đặt ra-đa quân sự tại đá Chữ Thập và đá Châu Viên cùng hạ tầng cơ sở có thể tập hợp triển khai tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình phòng thủ bờ biển và tăng cường sự hiện diện của tàu chiến. Trong quá trình xây dựng đã sử dụng rộng rãi các tàu đổ bộ xe tăng, các máy bay dân sự hạ cánh trên đá Chữ Thập hồi tháng 1-2016 cho thấy đường băng ở đây có thể phục vụ tất cả máy bay quân sự".
Trong thư gửi Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ -John Mc Cain ngày 23-2-2016, Giám đốc tình báo quốc gia Hoa Kỳ James Clapper viết: "Trung Quốc đã thiết lập hạ tầng cơ sở cần thiết để mở rộng năng lực quân sự ở Biển Đông nhằm bảo vệ tiền đồn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam"... "Dựa trên tiền đồn và phạm vi xây dựng tại những tiền đồn này, Trung Quốc có thể triển khai một loạt năng lực tấn công và phòng vệ quân sự, hỗ trợ Hải quân và Tuần duyên tăng cường hiện diện bắt đầu từ năm 2016". Hãng Reuters dẫn lời Clapper cho biết: "Một khi những cơ sở này được hoàn tất đến cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, Trung Quốc sẽ có năng lực đáng kể để nhanh chóng mở rộng sức mạnh tấn công quân sự ra khu vực"... Hoa Kỳ đã thể hiện quan ngại về việc Trung Quốc cứng rắn theo đuổi yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Dù khi gặp Tổng thống Hoa Kỳ, Bắc Kinh nói vai trò quân sự của Trung Quốc sẽ là phòng vệ, nhưng Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Hoa Kỳ -Đô đốc Harry Harris, tháng trước tuyên bố: "Trung Quốc rõ ràng đang quân sự hóa Biển Đông nhằm mục đích bá chủ Đông Á". Herris cáo buộc Trung Quốc đang "Thay đổi bối cảnh hoạt động ở Biển Đông khi điều tên lửa và ra-đa như một nỗ lực nhằm thống trị Đông Á bằng quân sự".
Hãng Fox News ngày 23-2-2016 đưa tin tình báo Hoa Kỳ ghi nhận sự hiện diện của các chiến đấu cơ Shen yang J.11 và Xian JH.7 trên đảo Phú Lâm sau khi triển khai tên lửa HQ9 ngày 17-2.
Ngày 17-3 tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta đã phản đối Trung Quốc cho tàu Ngôi sao vịnh Bắc Bộ tải trọng 10.000 tấn đưa 300 khách ra đảo Ốc Hoa; xây dựng cảng hàng không với đường băng 3.500m ở đảo Cây; lấn biển ở khu vực cụm đảo An Vĩnh… Một lần nữa người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa.
Từ những thực tế trên đây, hơn ai khác, chính Việt Nam phải phản đối Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông trước khi quá muộn!
Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ