Báo cáo chỉ rõ điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư quá lớn ở hầu hết các dự án dẫn đến mất cân đối về nguồn vốn. Việc phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn này còn dàn trải; nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giảm, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư, gây lãng phí nguồn lực. Cơ chế phân bổ vốn Trái phiếu Chính phủ chưa hợp lý, không có tiêu chí phân bổ cụ thể dẫn tới chưa thực sự công bằng, dễ tạo ra cơ chế “xin-cho”…
Việc thực hiện Luật hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa nghiêm, bộc lộ những tồn tại, hạn chế như chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao, thiếu sự phối hợp, lồng ghép và phù hợp với khả năng kinh tế và cân đối nguồn lực.
Nhiều dự án trước khi quyết định đầu tư chưa đảm bảo thực hiện đúng quy định phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn dẫn tới thiếu vốn nghiêm trọng, nợ đọng, dở dang, lãng phí. Một số địa phương, bộ, ngành cho phép đầu tư điều chỉnh, bổ sung quy mô dự án hoặc phê duyệt lại quy mô dự án quá mức, làm tăng tổng mức đầu tư, tăng mức bố trí vốn. Tình trạng các dự án dở dang, kéo dài, không bảo đảm tiến độ trong thực hiện, thi công, chậm đưa vào sử dụng. Công tác quản lý, phân bổ, cấp phát, thanh toán và quyết toán vốn có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa tuân thủ quy định...
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nguyên nhân, Báo cáo cũng đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và địa phương để nâng cao hiệu quả việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án đề xuất của Chính phủ, trước mắt chưa phát hành thêm vốn Trái phiếu Chính phủ vì các bộ, ngành và địa phương đã rà soát, sắp xếp lại danh mục dự án theo mức kế hoạch vốn trung hạn được giao và huy động các nguồn vốn khác để bảo đảm hoàn thành dự án hoặc các hạng mục dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Hoàng Linh(TH)