Nguyên nhân của bệnh
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu thì 85% bệnh nhân mắc bệnh táo bón do thiếu chất xơ. Chúng ta có thể thấy các nguyên nhân cụ thể như:
Do chế độ ăn uống: Có nhiều người cao tuổi bị táo bón là do khẩu phần ăn uống không cân bằng. Có thể, do yêu cầu trong điều trị một bệnh nào đó nhưng người bệnh lại kiêng khem quá mức; ăn ít hoặc chán không muốn ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng. Ăn những loại thức ăn có nhiều chất béo như: bơ, sữa, đường tinh chế và thức ăn ít chất xơ, ăn nhiều chất cay, nóng (ớt, hành, hồ tiêu), uống nhiều rượu, bia, cà phê… Lượng nước đưa vào trong cơ thể hằng ngày không đủ sự cần thiết để tiêu hóa thức ăn.
Do tác dụng phụ của dược phẩm: Có một số dược phẩm làm giảm hay thư giãn co bóp cơ trơn của thành ruột, đưa tới sự trở ngại lưu thông của chất bã. Đó là các loại thuốc trị tâm thần, thuốc có chất sắt, canxi, thuốc chống viêm, thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc khác khiến việc đào thải chất bã tiêu hóa lại càng khó khăn hơn.
Do chế độ vận động không hợp lý: Nhiều người cao tuổi phải nằm im không cử động do sức khỏe yếu, điều này làm cho ruột, cơ hoành giảm co bóp, phân chậm di chuyển dẫn tới tình trạng táo bón.
Ngoài ra, các khối u ở ruột, khối u trong bụng đè vào ruột làm giảm chức năng bảo vệ của tuyến giáp và người già bị các bệnh như parkison, tiểu đường, tai biến mạch máu não, nhất là khi bị chấn thương cột sống gây suy nhược thần kinh, trì hoãn chức năng co bóp cũng làm tăng nguy cơ bị táo bón.

Phòng tránh bệnh táo bón
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hậu thì để phòng tránh bệnh táo bón, cần tăng cường thức ăn có nhiều chất xơ như: rau xanh, hoa quả, trái cây khô, hạt ngũ cốc, bánh mỳ đen, gạo lứt. Các thức ăn này chứa nhiều chất xơ và chất pectin tạo điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, ngoài ra các chất độc hại sẽ bám vào các chất xơ và được thải ra ngoài cơ thể. Nên ăn nhiều thức ăn có chứa magiê như sữa, kê, đậu đũa, khoai lang và một số loại rau như rau đay, rau dền, mùng tơi, rau khoai lang, củ quả (khoai sọ, đu đủ xanh, chuối tiêu).
Tránh ăn các thức ăn có các chất kích thích như hạt tiêu, ớt cay, nước chè đặc, ca cao, rượu nho đỏ. Hạn chế uống rượu, cà phê, hút thuốc lá.
Uống đủ nước mỗi ngày. Người cao tuổi nên uống từ 8-10 ly nước đun sôi ấm mỗi ngày. Uống một cốc nước vào buổi tối trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy vào buổi sáng. Như vậy, ruột có thể được làm sạch và dạ dày và ruột có thể được kích thích để làm phân mềm và mịn khi đại tiện.
Duy trì thực hiện việc đại tiện thường xuyên vào buổi sáng sau khi thức dậy. Việc đại tiện thường xuyên có thể duy trì làm sạch đường ruột. Sau khi đi vệ sinh, mọi người có thể sử dụng nước đun sôi ấm để rửa hậu môn giữ gìn sức khỏe .
Thực hiện các bài tập thể dục hằng ngày. Các bài tập vừa phải có thể đẩy nhanh nhu động dạ dày và đường ruột như các bài tập rèn sức bền: đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, cầu lông. Ngoài ra, nên thực hiện hô hấp bụng trong vòng 15 phút hai lần một ngày. Với các bài tập của cơ bụng, mức độ hoạt động dạ dày và đường ruột có thể tăng lên và các chức năng tiêu hóa có thể được tăng cường.
Thành An