"Không khéo anh cũng là kẻ lừa đảo!"
Về nhà xuất bản, sau vài tháng học việc, tôi được phân công biên tập bản thảo hồi ký của một vị tướng đã từng nhiều năm làm chuyên gia quân sự giúp bạn Lào. Là người từng trải trận mạc, lại nhiều năm làm chuyên gia cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội Lào, nên chất liệu, sử liệu của cuốn hồi ký ngồn ngộn, hấp dẫn Có điều, tự ông nhớ gì viết nấy, nên tôi phải "đánh vật" với từng trang viết, từng con chữ của ông.
Những ngày tôi xử lý bản thảo, dăm ba bữa một lần, vị tướng già đạp xe đạp từ Gia Lâm sang vừa động viên, vừa giúp tôi chỉnh sửa những chỗ cần thiết. Có lần ông cho chúng tôi mấy quả ổi bọc trong chiếc khăn mùi soa, treo tòng teng ở ghi đông xe đạp. Nghĩ ông tuổi đã cao, lại bị bệnh cao huyết áp, đi lại nhiều không tốt, nên những lần sau tôi thường đạp xe qua nhà ông, hai chú cháu cùng trao đổi. Những lần đó, vợ con ông tiếp đón tôi niềm nở chu đáo. Hoàn tất xong khâu biên tập, một sáng cuối đông năm 1993, rét căn cắt, tôi phấn khởi đạp xe qua cầu Long Biên sang nhà ông bàn việc in ấn. Hai chú cháu đang trao đổi vui vẻ thì bất ngờ vợ ông đòi kiểm tra giấy tờ tùy thân của tôi. Khi chồng và cô con gái can ngăn thì bà nói oang oang : Tôi chẳng tin ai cả. Gia đình tôi bị lừa nhiều rồi. Không khéo anh cũng là kẻ lừa đảo.
Bị xúc phạm, tôi bình tĩnh, từ tốn gói công việc lại, xin phép gia đình ra về và thưa với ông , nếu có thể hôm nào mời cô con gái sang chỗ tôi bàn bạc giải quyết tiếp. Đạp xe về, trong tôi trĩu nặng nỗi niềm khó tả và bên tai văng vẳng tiếng kêu thất thanh của vị tướng già: "Tôi xin bà đừng xúc phạm cháu. Huyết áp tôi tăng vọt lên đây này!"...
Mấy hôm sau, cô con gái thay ông sang làm việc. Theo yêu cầu của gia đình và chỉ đạo của Tổng biên tập, tôi gửi lại tác giả bản thảo gốc và bản thảo tôi đã biên tập, kèm theo lời nhắn gửi: Gia đình có thể mang bản thảo này đến một nhà xuất bản khác, hoặc sau này thấy cần hãy trở lại với chúng tôi.
Hai năm trôi qua, chút kỷ niệm buồn chìm đi trong bộn bề công việc. Một hôm, qua nhà văn Bùi Bình Thi (người gắn bó với vị tướng một thời ở chiến trường Lào), tôi biết vị tướng đang ốm nặng. Nhà văn cũng khuyên tôi thể tất chuyện cũ và nếu có thể nên giúp ông xuất bản cuốn hồi ký trước khi... Không do dự, tôi sang thăm ông và rất buồn vì ông đã quá yếu. Rồi việc xuất bản cuốn hồi ký "Những ngày ở Cánh Đồng Chum" được thực thi mau lẹ. Ngày gia đình ông nhận sách, vì đi công tác xa, tôi không sang chúc mừng được. Qua anh Bùi Bình Thi, tôi biết ông mãn nguyện lắm. Vừa ra mắt bạn đọc, cuốn hồi ký ẵm ngay Giải thưởng cao nhất của cuộc vận động sáng tác văn học về tình đoàn kết Việt-Lào. Sau đó, Nhà xuất bản tái bản cuốn hồi ký này theo yêu cầu của bạn đọc. Khi tái bản, tác giả của nó đã là người thiên cổ. Chắc là ở thế giới vĩnh hằng, ông sẽ ngậm cười, hoan hỉ!
Nhớ về kỷ niệm những ngày đầu trong nghề biên tập, tôi không quên lời tâm sự của anh Đặng Văn Lâm-Phó giám đốc Nhà xuất bản QĐND khi đó: "Chỉ có những người lính hết lòng vì người lính, hết mình vì sự nghiệp sách vở mới làm được như vậy!".

Bị đuổi khi làm việc
Cùng với biên tập và trưởng thành nhờ biên tập, dần dà tôi đã biên soạn được một số công trình lịch sử, giúp một số tướng lĩnh viết hồi ký, tự truyện. Đầu năm 1999, tôi đang hoàn chỉnh cuốn hồi ký của một vị tướng có uy tín lớn trong và ngoài nước. Để thể hiện được cuốn hồi ký ngót 500 trang, tôi đã nhiều lần đến nhà ông làm việc và gần như nhẵn mặt với mọi người trong gia đình.
Vào một sáng tháng 4-1999, ông cho gọi tôi tới giúp ông chỉnh sửa mấy lời "Cùng bạn đọc" để cuốn hồi ký kịp ra mắt nhân kỷ niệm 40 năm ngày mở đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Đang rì rầm trao đổi ở phòng khách, hai bác cháu giật nảy mình bởi tiếng xô thùng rơi loảng xoảng ở phòng bên. Cứ nghĩ là chuyện cái thùng cái xô, nhưng không! Vài phút sau, lại một chiếc xô văng mạnh vào cánh cửa. Có chuyện rồi! Tôi thấy ông mím chặt môi, nhưng vẫn trao đổi công chuyện như không có gì xảy ra. Rồi sự việc không dừng ở đó. Khi tôi đọc ông nghe câu cuối cùng thì cửa thông phòng bị dập mạnh đến mức khó tưởng. Tôi xúc động nhìn bàn tay vị tướng run run trao tôi bát nước chè xanh như mọi lần đến ông vẫn dành cho. Xin phép ông ra về, ông tiễn tôi một quãng và nói khẽ: Chú thông cảm, bà nhà tôi thấy tôi bị nhà báo quần dữ quá!
Giấu nỗi buồn vào trang bản thảo, tôi làm nốt chức phận của một biên tập viên. Rồi tập hồi ký được xuất bản vào tháng 5-1999 với trên 6.000 bản và nhanh chóng được bạn đọc đánh giá cao; được trao tặng phẩm của cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca, hồi ký về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng; được dịch ra tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước. Gần đây có nhà văn còn đề nghị đưa tác phẩm này vào giảng dạy trong các nhà trường phổ thông. Riêng tôi, sau đó còn được ông nhờ viết cuốn hồi ký thứ hai và tôi cũng không phụ lòng tin của ông. Còn bà xem tôi như con cái trong nhà.
Trở lại với bài báo mà nhà văn, nhà báo nọ luận về nghề; cái lý mà tác giả nói về sự bạc bẽo của nghề biên tập là: Dù biên tập viên có lao tâm khổ trí trên từng trang bản thảo, có khi gần như đồng tác giả thì rốt cuộc họ cũng chỉ là những người "hát bè trầm"; thậm chí, mọi cái hay ho đều thuộc về tác giả; cái sai, cái giở là do biên tập... Về phần mình, hai trong số rất nhiều chuyện vui buồn của nghề nghiệp gúp tôi ý thức được rằng: Nghề nghiệp cũng như con cái. Cứ trách nhiệm đến cùng, cứ sống hết mình với con cái, với nghề thì chẳng có con nào, nghề gì phụ bạc ta.
Duy Tường