• Văn bản số 2141/TTg - ĐMDN do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 5-12-2008 về việc xử lý các tồn tại sau khi cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam.

  • Văn bản số 3881/2008/CV-PV do Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân ký ngày 17-12-2008 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kết luận thanh tra cổ phần hóa tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

  • Văn bản số 3867/2008/CV-PC do Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân ký ngày 16-12-2008 gửi Thanh tra Chính phủ về việc kết luận thanh tra cổ phần hóa tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

  • Văn bản số 3945/UBND - XD, do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh ký ngày 11-12-2008 gửi Thanh tra Chính phủ về việc góp ý dự thảo (không phải dự thảo mà là kết luận chính thức - tác giả) kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) của Thanh tra Chính phủ.

  • Văn bản số 14197/BTC - TCDN do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp ký ngày 25-11-2008 gửi Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị về các vướng mắc khi cổ phần hóa của Vinaconex.

  • Văn bản số 2570/BXD - KHTC do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang ký ngày 24-12-2008 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kết luận thanh tra quá trình cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam.

Nghiên cứu kỹ những văn bản nêu trên, chúng tôi thấy xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng và “lý thú” cần được thông tin đến bạn đọc để chúng ta hiểu rõ thêm vì sao vụ việc động trời này, đến nay vẫn chưa được xử lý.

**Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vinaconex Nguyễn Văn Tuân tiếp tục lừa dối **

Thủ tướng Chính phủ

Tại trang 9, văn bản 3867/2008/CV-PC do ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Vinaconex ký ngày 16-12-2008 gửi Thanh tra Chính phủ có đoạn nguyên văn như sau: “Dự án nhà ở cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ tại phường Thảo Điền, quận 2, TP Hồ Chí Minh là dự án do Vinaconex làm chủ đầu tư (không thuộc phạm vi trách nhiệm của Công ty xây dựng số 4). Tổng công ty trực tiếp thỏa thuận đền bù đất trong khu vực dự án cho các tổ chức, cá nhân có đất theo giá do hai bên thỏa thuận. Để thu hút các nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài, Tổng công ty đã hợp tác với Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Chí Thành thành lập Công ty cổ phần đầu tư - thương mại Thảo Điền để trực tiếp đầu tư, khai thác và kinh doanh dự án. Việc hợp tác này diễn ra sau khi Tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần. Hiện nay, Tổng công ty đang hoàn tất các thủ tục (trong đó có việc xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ) để chuyển giao dự án từ Tổng công ty sang Công ty cổ phần đầu tư Thảo Điền thực hiện phù hợp với mục tiêu của Tổng công ty. Hiện nay, UBND TP Hồ Chí Minh đang chỉ đạo các sở, ban, ngành của TP, Tổng công ty cổ phần Vinaconex hoàn tất các thủ tục để xin ý kiến chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ để giao dự án từ Tổng công ty sang Công ty cổ phần đầu tư Thảo Điền”.

Trong đoạn trích văn bản của ông Nguyễn Văn Tuân nêu trên, bạn đọc hãy chú ý câu: “Hiện nay Tổng công ty đang hoàn tất các thủ tục (trong đó có việc xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ)”. Văn bản này ông Nguyễn Văn Tuân ký ngày 16-12-2008. Ông Tuân khẳng định: “Hiện nay... đang hoàn tất thủ tục... xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”. Trong khi trước đó 17 tháng, ngày 25-7-2007, Vinaconex đã ký văn bản “thỏa thuận” với Công ty cổ phần đầu tư, thương mại Chí Thành và họ đã nhận của công ty này 47 triệu USD (mời bạn đọc đọc kỹ bài báo “Chỉ bằng mấy văn bản Vinaconex đã thu 510 tỷ đồng” đăng báo CCB Việt Nam số 764 ra ngày 25-6-2009). Như vậy, bằng văn bản này, một lần nữa Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vinaconex Nguyễn Văn Tuân lại tiếp tục lừa dối Thủ tướng Chính phủ. Vì dự án 8 ha đất tại Thảo Điền họ đã “mua bán” xong, đã nhận của Chí Thành 47 triệu USD từ tháng 7-2007; thế mà đến tháng 12-2008 họ làm văn bản ngang nhiên trình Thủ tướng “Hiện nay Tổng công ty đang hoàn tất các thủ tục (trong đó có việc xin chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ)”.

      **UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng đã bảo vệ những sai trái của Vinaconex như thế nào? **

Hơn 1 tháng, sau khi nhận được văn bản số 3867/2008 CV-PC (ngày 16-12-2008) của Chủ tịch HĐQT Vinaconex Nguyễn Văn Tuân, ngày 22-1-2009 Thanh tra Chính phủ có văn bản số 200/TTCP - V.I gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý ý kiến giải trình kết luận thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản ký.

Bằng văn bản này, Thanh tra Chính phủ đã bác bỏ toàn bộ ý kiến giải trình của Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Vinaconex cùng những lý lẽ bảo vệ cho những sai trái của Vinaconex của UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng. Để bảo đảm tính khách quan và thêm rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn trang 1, trang 2 và trang 3 văn bản số 200/TTCP - V.I của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ:

“Thực hiện chương trình kế hoạch thanh tra năm 2008 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (gọi tắt là Vinaconex). Trước khi ký kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã gửi bản Dự thảo kết luận thanh tra đến các bộ, ngành có liên quan nhưng không được các bộ, ngành cho ý kiến trong thời gian quy định. Sau khi Thanh tra Chính phủ có văn bản số 2744/KL - TTCP - V.I ngày 11-12-2008 kết luận việc cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam; Thanh tra Chính phủ nhận được văn bản của Bộ Tài chính (số 321/BTC - TCND ngày 8-1-2009), Bộ Xây dựng (số 2570/BXD - KHTC ngày 24-12-2008), UBND TP Hà Nội (số 3945/UBND - XD ngày 11-12-2008) gửi Thủ tướng Chính phủ tham gia ý kiến về nội dung kết luận thanh tra. Căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ tài liệu có liên quan, Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

  1. Về các vi phạm tại dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính.

1.1. Về việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.

a. Bộ Xây dựng có ý kiến: “Đến thời điểm cổ phần hóa, Vinaconex đã thực hiện xong dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính... lợi thế về giá trị quyền sử dụng đất đã được hạch toán vào kết quả kinh doanh của Tổng công ty trong các năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp”; Bộ Tài chính cũng đưa ra ý kiến như nêu trên và cho rằng “Không thể xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với dự án đã kết thúc”.

b. Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

  • Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điều 63, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 của Chính phủ; khoản 1, khoản 2, điều 19, Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16-11-2004 của Chính phủ và điểm 6, khoản a, mục III, Thông tư số 126/2004/TT-BTC ngày 24-12-2004 của Bộ Tài chính thì Vinaconex phải tính giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao để thực hiện dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

  • ý kiến cho rằng dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính đã hoàn thành trước thời điểm cổ phần hóa là không có cơ sở vì:

  • Tại báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp do Công ty Kiểm toán Việt Nam lập tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 1-1-2005), chỉ có 6 toà nhà có biên bản quyết toán vốn đầu tư hoàn thành là các tòa nhà từ 17T1 đến 17T6, các tòa nhà còn lại (17T7 đến 17T9, 18T1, 18T2, 24T1, 24T2, 34T và 15T) chưa xây dựng xong nên không có biên bản quyết toán.

  • Bộ Tài chính chỉ tính lại giá trị nhà tầng 1 (7.889,26m2) các tòa nhà 17T1 đến 17T6, 18T1, 18T2 và VP1 đến VP4 là 132,5 tỷ đồng mà không tính lại giá trị nhà tầng 1 các tòa nhà 17T7 đến 17T9, 18T1, 18T2, 24T1, 34T, 15T và đến tháng 1-2009 nhà 15T vẫn đang thi công, hoàn thiện.

  • Các hợp đồng chuyển nhượng tầng 1 các tòa nhà chung cư cao tầng tập trung vào các năm 2004, 2005, 2006 (hợp đồng số 09/VP - THNC ngày 20-4-2006 bán diện tích tầng 1 nhà 24T1 cho cá nhân ông Nguyễn Tử Đồng, hợp đồng số 12/VP - THNC ngày 15-7-2006 bán diện tích tầng 1 nhà 17T4 cho cá nhân bà Dương Hoài Thu...).

1.2 Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch

a. UBND TP Hà Nội có ý kiến: “Văn phòng Kiến trúc sư trưởng Vinaconex được xây dựng các nhà cầu nối từ VP1 đến VP7 là dựa trên thẩm quyền được UBND TP phân cấp vào thời điểm đó, khoản 6, điều 1, quyết định số 3257/QĐ-UB ngày 3-7-2000” và “Vinaconex có xin phép và được Văn phòng Kiến trúc sư trưởng chấp thuận phương án kiến trúc cho xây dựng 6 nhà nối...”.

b. Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

Văn phòng Kiến trúc sư trưởng lúc đó không có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính mà thẩm quyền điều chỉnh là UBND TP Hà Nội vì:

  • Nghị định số 91/CP ngày 17-8-1994 (mục c, khoản 2, điều 7; khoản 1, điều 23) của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị và Điều lệ quản lý xây dựng khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính (điều 3) ban hành kèm theo quyết định số 76/2001/QĐ-UB ngày 18-9-2001 của UBND TP Hà Nội quy định thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch là UBND TP Hà Nội.

  • Quyết định số 3257/QĐ-UB ngày 3-7-2000 (khoản 6, điều 1) của UBND TP chỉ là việc UBND TP uỷ quyền cho Kiến trúc sư trưởng căn cứ quy hoạch được duyệt để cấp giấy phép xây dựng cho các hạng mục công trình trong khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản hỏi và được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội có văn bản số 19/QHKT - P1 ngày 18-8-2008 trả lời: “Các nhà VP2 đến VP7 không thể hiện trên bản vẽ... Tại các công văn thỏa thuận Sở Quy hoạch kiến trúc đều có nội dung yêu cầu Tổng công ty Vinaconex cần báo cáo UBND TP để được cho phép điều chỉnh”.

  • Quyết định số 75/2001/QĐ-UB ngày 18-9-2001 của UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính không có 6 nhà văn phòng, 4 nhà cửa hàng và xây vượt diện tích 5.562m2 tại các nhà chung cư cao tầng.

Từ những căn cứ nêu trên thì việc UBND TP Hà Nội cho rằng “không có cơ sở để xác định sai phạm của Vinaconex trong vấn đề này cũng như không có cơ sở để xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan” là không đúng.

1.3 Về đối tượng áp dụng các quyết định của UBND TP Hà Nội.

a. Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội đều có ý kiến cho rằng quyết định số 76/2004/QĐ-UB được ban hành sau khi Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính được phê duyệt và triển khai nhằm tước bỏ quyền sở hữu hợp pháp của Vinaconex với diện tích tầng 1 mà chỉ yêu cầu Vinaconex và các chủ sở hữu khác nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty này trong quá trình sử dụng phải đảm bảo sử dụng tầng 1 đúng công năng theo quy định của thành phố phục vụ dân cư, không được làm nhà ở nên dự án khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính không thuộc đối tượng điều chỉnh của quyết định này.

b. Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

Dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính bị điều chỉnh bởi các quyết định của UBND TP Hà Nội (số 76/2004/QĐ-UB ngày 19-5-2004, số 65/2004/QĐ-UB ngày 7-5-2004) được ban hành và có hiệu lực trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Vinaconex (ngày 1-1-2005) vì:

  • Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Vinaconex thì dự án khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính đang được triển khai thực hiện (được nêu tại điểm b, mục 1.1);

  • Quyết định số 76/2004/QĐ-UB ngày 19-5-2004 (điều 2) và điều 6 của quyết định về việc tổ chức dịch vụ quản lý, vận hành, khai thác khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP Hà Nội ban hành kèm theo quyết định 65/2004/QĐ-UB ngày 7-5-2004 quy định đối với các dự án khu đô thị mới, nhà chung cư cao tầng đang được triển khai thì chủ đầu tư dự án phải bổ sung ngay phương án tổ chức dịch vụ quản lý vận hành và khai thác.

1.4 Về việc quản lý, sử dụng và chuyển nhượng tầng 1 các tòa nhà.

a. Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính có ý kiến “Toàn bộ các biệt thự, nhà vườn, chung cư cao tầng (bao gồm cả diện tích tầng 1 các tòa nhà) là sản phẩm hàng hóa hình thành sau đầu tư thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Việc chủ đầu tư là Vinaconex bán hoặc cho thuê các sản phẩm hàng hóa như đề cập trên đây là thực hiện kinh doanh bất động sản, không chịu sự điều tiết của quy chế bán đấu giá tài sản. Với lẽ đó, kết luận thanh tra cho rằng việc bán diện tích nhà tầng 1 không qua hình thức đấu giá là không đúng”.

b. Thanh tra Chính phủ có ý kiến như sau:

  • Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Vinaconex, Bộ Tài chính xác định giá trị nhà tầng 1 của các tòa nhà là tài sản của Vinaconex với tổng giá trị là 132.539.568.000 đồng, khi đó Vinaconex (trước khi có quyết định chuyển thành công ty cổ phần) là một tổng công ty nhà nước nên việc chuyển nhượng tài sản phải thông qua hình thức đấu giá theo quy định tại khoản 3, điều 6, Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 3-12-2004 của Chính phủ.

  • Thực tế Vinaconex chuyển nhượng tầng 1 các tòa nhà chung cư cao tầng cho các tổ chức và cá nhân tập trung vào các năm 2004, 2005, 2006 là thời điểm các quyết định, văn bản của UBND TP có hiệu lực và quy định tầng 1 các tòa nhà chung cư cao tầng thuộc quyền quản lý sử dụng của UBND TP Hà Nội (sử dụng vào mục đích công cộng, dịch vụ phục vụ dân cư khu vực). Các nhà này Vinaconex đã chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân nên không thể “sử dụng vào mục đích kinh doanh, sinh lời” như ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.

    Chính phủ đã mặc nhiên chuyển một khối tài sản khổng lồ của Nhà nước,

của nhân dân thành tài sản riêng cho Tổng công ty cổ phần Vinaconex

Trong số những tài liệu Vinaconex trực tiếp chuyển cho Báo CCB Việt Nam có quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 2141/TTg - ĐMDN do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 5-12-2008. Điều 3, quyết định này viết: “Khoản giá trị quyền phát triển dự án khu đô thị Bắc An Khánh phát sinh sau khi Tổng công ty Vinaconex chuyển thành Tổng công ty cổ phần Vinaconex là của Tổng công ty cổ phần Vinaconex”. Trong bài: “Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc thiếu hay thừa tiền” đăng báo CCB Việt Nam số 763 ra ngày 18-6-2009, chúng tôi tạm tính khoản giá trị 568 ha đất tại khu đô thị Bắc An Khánh là 56.800 tỷ đồng. Bằng quyết định 2141/TTg/ĐMDN, số tiền khổng lồ này nghiễm nhiên trở thành tài sản riêng của Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Vậy quyết định này đúng hay sai?

Để làm rõ điều này, chúng ta hãy đọc kỹ những văn bản của Vinaconex, của các bộ, ngành có liên quan và của chính Thủ tướng Chính phủ để xem khối tài sản khổng lồ có được từ 568 ha đất tại khu đô thị Bắc An Khánh của Vinaconex được hình thành trước hay sau khi Tổng công ty này cổ phần hóa?

Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hoà Lạc với hình thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng được hình thành từ giữa năm 2003 bằng văn bản số 02520 VC/BQL - HL do ông Phí Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (nay là Phó chủ tịch TP Hà Nội), ký ngày 9-7-2003, gửi Bộ trưởng Bộ GTVT. Trong văn bản này ông Phí Thái Bình đã “ Cam kết Vinaconex ứng vốn đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án”. Chỉ hai ngày sau (sao nhanh thế), ngày 11-7-2003, Bộ trưởng Bộ GTVT có quyết định số 2013/QĐ-BGTVT do Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến (vụ PMU18) ký về việc đầu tư dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc theo hình thức sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngày 17-12-2003, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1726/CP - NN về việc triển khai dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc bằng phương thức sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Cũng trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã uỷ quyền cho UBND tỉnh Hà Tây (cũ) thu hồi 427 ha đất nông nghiệp, UBND TP Hà Nội thu hồi 141 ha đất nông nghiệp tạm giao cho Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam. Ngày 20-3-2005, Vinaconex tổ chức làm lễ động thổ khởi công thực hiện dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc.

Qua những văn bản nêu trên, chúng ta thấy có đủ bằng chứng pháp lý để khẳng định khối tài sản từ 568 ha đất của Vinaconex tại khu đô thị mới Bắc An Khánh được hình thành từ ngày 17-12-2003 khi có văn bản 1726/CP - NN của Thủ tướng Chính phủ, thời gian này Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vẫn là một doanh nghiệp nhà nước. Vậy Tổng công ty Vinaconex chuyển thành Tổng công ty cổ phần Vinaconex từ bao giờ? Ngày 18-3-2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 56/2005/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm cổ phần hóa Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam. Đến ngày 24-11-2006, Bộ Xây dựng mới có quyết định số 1613/QĐ - BXD chuyển Vinaconex thành Tổng công ty cổ phần. Như vậy mọi tài sản của Vinaconex hình thành trước ngày 24-11-2006 đương nhiên là tài sản của Nhà nước. Từ đó chúng ta thấy rõ quyết định 2141/TTg - ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ký ngày 5-12-2008 cho rằng: “Khoản giá trị quyền phát triển Dự án khu đô thị Bắc An Khánh phát sinh sau khi Tổng công ty Vinaconex đã chuyển thành Tổng công ty cổ phần Vinaconex là của Tổng công ty cổ phần Vinaconex” là không chính xác. Vì vậy các cơ quan chức năng cần kiên quyết thu hồi số tiền khổng lồ này về cho ngân sách quốc gia. Nếu số tiền đó được thu hồi, được sử dụng đúng mục đích chắc chắn sẽ đem đến hạnh phúc, niềm vui cho hàng triệu, hàng triệu những cảnh đời bất hạnh do hậu quả của chiến tranh, thiên tai, bệnh tật.

Không hiểu sao cứ mỗi lần nhìn thấy một vụ việc tiêu cực, tham nhũng, cứ mỗi lần cầm bút viết một vụ việc tiêu cực, tham nhũng, trong tôi lại ngân lên lời thơ của Nguyễn Đức Mậu trong bài hát “Màu hoa đỏ”:

“Có người lính ra đi từ mái tranh nghèo

Có người lính ra đi từ đó không về...”.

Chúng ta hãy vì hàng triệu, hàng triệu những người con đất Việt “ra đi” mãi mãi “không về” mà biết trân trọng, biết giữ gìn những gì là tài sản của nhân dân, của đất nước. Bất kỳ ai lãng phí, phung phí, làm mất mát hoặc chiếm dụng tài sản quốc gia đều phải bị trừng trị nghiêm khắc. Có làm được như vậy, mới thể hiện rõ sự công minh của pháp luật; có làm được như vậy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mới thực sự có hiệu quả. *>>*Thủ tướng chỉ đạo yêu cầu xử lý nghiêm sau thanh tra việc cổ phần hóa Vinaconex >>Thủ tướng chỉ đạo khắc phục thiếu sót, sai phạm trong cổ phần hoá Vinaconex >>Sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết

Trần Đình Bá