Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: NHẬT BẮC

Sau một ngày làm việc tập trung, hiệu quả, chiều 5-1, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và triển khai kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Nhiều điểm sáng của nền kinh tế

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát, nhấn mạnh thêm một số nội dung về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. Năm 2021, trong bối cảnh có nhiều khó khăn thử thách, chúng ta đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ vững quốc phòng - an ninh, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Điểm lại những điểm sáng của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cho biết, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đẩy nhanh ngoại giao và tiến trình tiêm vắc xin; điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, ban hành các gói hỗ trợ, tạo điều kiện khôi phục kinh tế-xã hội. Năm 2021, GDP tăng 2,58%, thấp hơn kế hoạch đề ra, song vẫn cao hơn năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh rất phức tạp. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84%, là mức thấp nhất trong vòng 6 năm.

Cùng với đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài hồi phục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động. Vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Xuất khẩu là điểm sáng, thặng dư thương mại ở mức khá, góp phần phục hồi kinh tế. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo đạt nhiều tiến bộ vượt bậc; phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân được chú trọng; hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó chiến lược ngoại giao vắc xin giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng tại Việt Nam. “Nguyên nhân cơ bản của những kết quả đạt được là chúng ta đã giữ vững đoàn kết, thống nhất, càng khó khăn, thách thức thì tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được phát huy; bám sát, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, tuân thủ các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng; sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị….” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Về rủi ro, thách thức đối với hoạt động kinh tế-xã hội năm qua và dự báo 2022, Thủ tướng nêu rõ, có thể nhận thấy 5 rủi ro chính bên ngoài, đó là: Dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến rất phức tạp, tiếp cận vắc xin không đồng đều, dẫn đến kinh tế thế giới phục hồi không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng; kinh tế thế giới, trong đó có các nước lớn dự báo tăng trưởng chậm lại, sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư đối với nước ta; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn rất phức tạp, khó lường; rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế; sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất.

Về các khó khăn, thách thức chính từ nội tại, Thủ tướng cho rằng, đó là dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp; thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm; giải ngân đầu tư công còn chậm; thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; rủi ro nợ xấu gia tăng; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Thần tốc về tiêm phủ vắc xin, đẩy mạnh phục hồi kinh tế

Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình năm 2022 có những thuận lợi, cơ hội nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Phải xác định như vậy để có mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh.

Với tinh thần bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể năm 2022 với chủ đề: “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

Theo đó, về quan điểm, định hướng chỉ đạo chung là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm và có hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó. Kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, khắc phục tối đa hạn chế, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm.

Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào nội lực là chính, ngoại lực là cần thiết, quan trọng; phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội…

Về giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thần tốc về tiêm phủ vắc xin; nhanh chóng về thuốc chữa bệnh, không để đầu cơ, tích trữ; đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quản lý việc tổ chức lễ hội, các hoạt động văn hóa, thể thao, vui xuân, hội nghị, Tết trồng cây... phù hợp với tình hình dịch bệnh bảo đảm an toàn…

Về phục hồi và phát triển kinh tế, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn; tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung phục hồi, phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, giữ đơn hàng. Bảo đảm không để thiếu hàng hóa, nhất là trong dịp Tết. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách Nhà nước; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới; tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do; tập trung xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ; bảo đảm cung cấp điện đầy đủ phục vụ sản xuất, đời sống; đẩy nhanh xây dựng nhà ở cho công nhân bằng việc gỡ các vướng mắc về thể chế, quy hoạch đất đai, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện hợp lý...

Liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt nông sản xuất khẩu. Việc giải tỏa nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu, phải vừa có các biện pháp giải quyết tình thế trước mắt, vừa có biện pháp căn cơ, lâu dài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc tích cực, chỉ đạo rất quyết liệt, giao nhiệm vụ cụ thể cho cá bộ, ngành, địa phương…

Về phát triển văn hóa, xã hội, Thủ tướng đề nghị cụ thể hóa và triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua. Thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tạo điều kiện để mọi người dân đều có Tết an lành. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng yêu cầu, nắm chắc tình hình, xử lý kịp thời, linh hoạt mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Sẵn sàng ứng phó linh hoạt, hiệu quả với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Tình hình càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết, thống nhất, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, chung sức chung lòng, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2021”.

VŨ DUNG