PV Hồng Vân (giữa) và tác giả (bên trái) trao đổi kinh nghiệm viết về đất và người Khu 5 (năm 2018).

Đó là dòng cảm xúc bền bỉ và mãnh liệt luôn thôi thúc Thiếu tá Lê Thị Hồng Vân - nguyên phóng viên Báo Quân khu 5 cho ra đời tập bút ký “Còn mãi Khu 5” do Nhà xuất bản QĐND ấn hành năm 2017. Trong lời tựa cuốn sách, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn - nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã viết: “Đọc các bài viết của Hồng Vân, những ai đã từng có những năm tháng nếm mật nằm gai, cái chết và sự sống kề trong gang tấc, đều cảm nhận bài viết như của người trong cuộc”.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng trên quê hương Điện Dương (Điện Bàn, Quảng Nam), thời kháng chiến chống Mỹ, cha đi hoạt động cách mạng, khi mới hai tháng tuổi, Hồng Vân đã phải theo mẹ hết nhà tù này đến nhà tù khác của Mỹ - ngụy. Dòng ký ức ấy đã thôi thúc chị trước tiên viết về mẹ, về ngoại (“Bóng ngoại”, “Tấm lưng còng của mẹ”) rồi rộng hơn về những người con thủy chung, bất khuất của Khu 5 anh hùng. Khi đã gây được dấu ấn, được báo Quân khu 5, Nguyệt san Sự kiện và nhân chứng của Báo QĐND, Báo Quảng Nam cùng nhiều báo địa phương trên địa bàn miền Trung và Tây Nguyên đăng tải, những câu chuyện sinh động, công phu và hấp dẫn về những trang sử vẻ vang của quê hương, đất nước càng lúc càng đến với chị nhiều hơn, dày đặc hơn.

Viết về hiện tại đã khó, viết về quá khứ càng không dễ vì phải ghi chép tỉ mỉ lời kể của các nhân chứng - những người phần vì tuổi cao, phần ít có thói quen ghi hồi ký, dễ nhầm lẫn sự kiện, nhân vật, mốc thời gian... Điều đó đòi hỏi người viết phải dụng công tìm đọc các sách xưa, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu thu thập được nhằm xác minh, rồi đưa đến công chúng những thông tin tin cậy nhất. Đơn cử như bài viết “Chiếc áo của má Trương” (người đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ 3 chiến sĩ Sư đoàn 2 Quân khu 5 thoát khỏi trận càn của địch), chị bị ám ảnh và phải ấp ủ, “nuôi dưỡng” đề tài suốt 10 năm trời mới đủ sức “giải mã”.

Tròn hai thập niên cùng công tác với chị ở Báo Quân khu 5, tôi vẫn nhớ, không phải đến khi có chị, tờ báo mới viết về đất và người Khu 5 trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp bạn Lào và Campuchia; nhưng phải đến khi có Hồng Vân “ra tay” thì mảng đề tài này mới được thể hiện một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc. Bước vào nghề báo muộn hơn nhiều đồng nghiệp khác nên chị luôn tăng tốc, chạy đua với thời gian, tạo nên thế mạnh rất riêng của mình khi gắn bó thủy chung và thể hiện qua các tác phẩm báo chí sinh động về Khu 5 bất khuất.

Tập bút ký “Còn mãi Khu 5”.

Đọc những bài báo ấy của chị, tôi và nhiều bạn đọc dễ bị thao thức, rồi ám ảnh. Có lúc tôi đã buột miệng hỏi vui: “Sao chị giỏi thế, viết về quá khứ mà hồn vía cứ như… người trong cuộc, chứng kiến, đồng hành cùng sự kiện vậy?”. Chị cười mà rằng, đề tài quá khứ vẻ vang, không nhập cuộc làm sao viết nổi. Quả vậy, những bài báo “Bài và ảnh: Hồng Vân” ấy đều lấy nhân chứng từ các nhân vật trọng yếu của Quân đội, Quân khu 5 đến những CCB, những cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta, nước bạn Lào, Campuchia… đã từng sống, đánh giặc trên chiến trường Khu 5 đánh giặc. Chính điều đó giúp chị giành giải Nhất Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Ngày thương binh - liệt sĩ” do Báo QĐND phối hợp cùng các đơn vị tổ chức; những nhân vật hiện lên trong tác phẩm của chị đều sắc nét, thắm đượm lòng yêu nước, yêu chiến sĩ, đồng bào và căm thù quân giặc bạo tàn.

Như lời bộc bạch ở phần đầu cuốn sách “Hạnh phúc nào hơn thế”, nhà báo Hồng Vân đã dốc bầu tâm sự: “Tôi không ngờ những gì mình làm lại có sức lan tỏa và được nhiều người biết đến”. Nhiều lần, các đạo diễn điện ảnh Quân đội và VTV1 đã gọi đến, nhờ chị liên hệ với các nhân vật để làm các tác phẩm truyền hình. Còn với các đồng nghiệp ở Báo - Truyền hình Quân khu 5, những tác phẩm của chị đã “dọn đường” cho nhiều ấn phẩm truyền hình phát trên chuyên mục LLVT Quân khu 5; được nhiều công chúng chú ý, hoan nghênh và có những thước phim đã giành Huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quân. Thiết nghĩ, đối với một nhà báo, hạnh phúc nào hơn thế.

Hiện đã nghỉ công tác ở Báo Quân khu 5, nhưng Lê Thị Hồng Vân vẫn viết hay, viết khỏe. Trước thềm năm mới Giáp Thìn - 2024, chúc chị luôn sống vui, sống khỏe, mãi truyền cảm hứng tự hào và biết ơn sâu sắc các thế hệ đi trước với bạn đọc Khu 5 nói riêng, cả nước nói chung.

Đỗ Thị Ngọc Diệp