Triển khai bệnh án điện tử góp phần tạo ra những bệnh viện không giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí.

Trong những năm gần đây, việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế mang lại những thay đổi tích cực, đặc biệt là trong việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn giúp giảm thiểu thời gian và chi phí, đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, bác sĩ, cũng như các cơ sở khám chữa bệnh.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế đã đưa ra yêu cầu quan trọng đối với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc là triển khai bệnh án điện tử và sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID trước ngày 30-9-2025. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi số của Ngành Y tế, nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn thông tin trong y tế.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh ưu tiên nguồn lực và khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc sức khỏe. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế phải sử dụng sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID, cho phép người dân dễ dàng truy cập và quản lý thông tin sức khỏe của bản thân.

Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các cơ sở khám chữa bệnh, yêu cầu các lãnh đạo nêu gương đi đầu trong nhận thức, đổi mới tư duy và phương pháp luận về chuyển đổi số. “Lãnh đạo phải chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai bệnh án điện tử thành công và đúng tiến độ,” Bộ trưởng chia sẻ.

Theo kế hoạch, các cơ sở y tế sẽ tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Bộ Y tế cũng yêu cầu việc tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế giữa các cơ sở y tế và các tuyến điều trị, giúp nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ trong thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, nâng cao sự tiện lợi và minh bạch trong các giao dịch y tế. Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, như sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, nhận dạng sinh trắc học, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và triển khai y tế từ xa.

Một trong những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số y tế là đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu người bệnh. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan liên quan triển khai các biện pháp bảo vệ thông tin mạng, bảo đảm dữ liệu y tế luôn được quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật…

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần rất quan trọng tạo nên những thay đổi to lớn trong các hoạt động của xã hội nói chung, trong lĩnh vực y tế nói riêng. Thời gian qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đã quyết tâm, nỗ lực rất lớn để triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng so với tổng số cơ sở y tế thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, thời gian tới, triển khai bệnh án điện tử tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành.

Tiết kiệm hàng chục tỷ đồng

Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh toàn trình không dùng giấy tờ từ ngày 15-11-2024. PGS-TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người bệnh và cán bộ y tế. Trước hết là rút ngắn thời gian cho các thủ tục hành chính. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa, phòng liên quan sẽ nhận được thông tin, người bệnh chỉ cần di chuyển đến những vị trí theo chỉ định để được triển khai. Kết quả trả về cho trung tâm hay khoa điều trị cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi bệnh nhân quay lại phòng khám. Với những ca bệnh khó, các bác sĩ có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian.

Ngoài ra, bệnh án điện tử giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép bằng tay, đồng thời cho phép truy cập nhanh chóng và đầy đủ thông tin bệnh sử của bệnh nhân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân cấp cứu cần "chạy đua với thời gian" hoặc đánh giá, theo dõi các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài. Chưa kể, việc không cần in giấy tờ và phim chụp đã giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện và người bệnh. "Mỗi năm chúng tôi tiêu tốn 70 tỷ đồng cho việc in phim chụp chiếu, khoảng 3 tỷ đồng tiền mua mực, 4-5 tỷ đồng tiền mua giấy để in các loại giấy tờ chỉ định. Khi áp dụng bệnh án điện tử, không cần in giấy tờ và phim chụp, bệnh viện có thể tiết kiệm được gần 80 tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế. Đó là chưa kể việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử còn cho phép hệ thống liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, giảm thiểu việc yêu cầu bệnh nhân làm lại các xét nghiệm không cần thiết" - ông Cơ cho biết.

Các bác sĩ cho rằng, dữ liệu của bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu y học, giúp phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật trong y tế, mang lại những đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Mạnh Hải