Đối với những ai sống vào thời khắc 30-4-1975, hẳn sẽ không quên giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc, quân và dân ta. Nhờ khối đoàn kết, quyết tâm cao độ, chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi vang dội, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là một công dân nước Việt, lại là giáo viên dạy sử, tôi rất tự hào về những giá trị ấy. Nhưng điều làm tôi buồn là hiện nay, một số học sinh lơ là với lịch sử nước nhà, không tha thiết học môn sử, học chỉ đối phó chứ không say mê. Nhất là sự kiện lịch sử 30-4-1975.

Trong những tiết dạy, tôi thường thăm dò học sinh mình về mọi thông tin gắn liền với sự kiện 30-4-1975. Chẳng hạn: Tên ban đầu của chiến dịch Hồ Chí Minh là gì? Ai là người cắm cờ Giải phóng trên nóc Dinh Độc lập vào ngày 30-4-1975? Chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập? Tỉnh cuối cùng nào ở miền Nam được giải phóng?...  Kết quả thu được thường làm tôi thất vọng vì các em lắc đầu ngơ ngác. Dù một số chi tiết không được đề cập trong sách giáo khoa nhưng với tư cách là một công dân Việt Nam, chúng ta cần phải tìm hiểu sử Việt, nhất là sự kiện trọng đại 30-4-1975, ngày lễ lớn của Dân tộc.

Không thể viện lý do rằng sách giáo khoa hạn chế, nhà trường không giảng dạy chi tiết để biện minh cho việc thiếu kiến thức về sự kiện hào hùng 30-4-1975. Chúng ta đi tìm lịch sử chứ lịch sử không thể nào tìm chúng ta được. Để tìm hiểu về giá trị lịch sử ngày 30-4-1975 không khó chút nào. Cứ hỏi cha ông ta, lớp người đi trước, từng lăn xả trong chiến trường để hiểu rõ từng chi tiết. Các quyển sách ở thư viện trường hay ở những nhà sách trong cả nước đều có đề cập. Đặc biệt thời buổi công nghệ thông tin lên ngôi, việc tìm hiểu lịch sử không khó chút nào. Tuy nhiên cần phải chọn lọc ở những trang web uy tín, có tên miền “.vn”, cổng thông tin điện tử của các Bộ, sở, hoặc ban, ngành, đoàn thể, báo online..., để tránh bị xuyên tạc, bóp méo sự thật.

Giáo viên chuyên sử (cả ngữ văn, địa lý) cần có trách nhiệm trong việc khơi dòng lịch sử để học sinh hiểu rõ hơn. Những tiết chính chưa truyền tải đầy đủ nội dung thì dành những tiết ngoại khóa để đưa học sinh tham quan bảo tàng, xem trên máy chiếu, sa đồ... kích thích tính tò mò để học sinh đam mê. Kèm theo đó là những trò chơi cộng điểm như ô chữ, thuyết trình, diễn kịch, vẽ tranh về lịch sử... Cha mẹ, ông bà của các em cũng cần có những buổi kể chuyện về sự kiện 30-4-1975 cho con cháu nghe. Rằng ông cha ta đã đổ biết bao xương máu vào cuộc chiến giải phóng dân tộc, để thế hệ hôm nay được hưởng độc lập, tự do, hạnh phúc, ấm no. Đó là những điều kiện tiên quyết để học sinh đam mê sử Việt. Là công dân Việt Nam, nếu quên đi giá trị lịch sử hào hùng này là có tội với Dân tộc, với Đất nước, với những anh hùng đã ngã xuống trên chiến trường.

Nguyễn Hoàng Duy