Một trong những niềm vinh dự lớn đặc biệt với cán bộ và nhân dân làng Đình Bảng, T.P Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là sau 11 ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ chí Minh đã đến đền Đô, thăm hỏi cán bộ, nhân dân làng Đình Bảng, cùng nhân dân tưởng niệm Lý Bát Đế (tám vị Vua nhà Lý). Hôm đó là ngày 13-9-1945 (tức ngày 8-8 năm Ất Dậu), ngày giỗ Lý Thánh Tông - người đặt quốc hiệu Đại Việt .

Lịch sử xã Đình Bảng ghi lại: Ngày 12-9-1945, sau khi nhận được tin vui ấy, đồng chí Trần Đình Nam (tức Cao Đàm) Chủ tịch Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh và đồng chí Bạch Di - Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính cách mạng lâm thời tỉnh đã trực tiếp xuống báo cho phủ Từ Sơn và xã Đình Bảng chuẩn bị đón tiếp Bác Hồ .

Sáng sớm ngày 13-9-1945, cả xã Đình Bảng náo nức, vui mừng trong không khí lạ thường;lá cờ đỏ sao vàng rất lớn, tung bay trước gió ngay cửa đền Đô. Các đoàn thể và hội viên Cứu quốc từ Phù Lưu trống dong cờ mở kéo sang với hàng ngũ chỉnh tề. Trong đền, các cụ già làng đang kính cẩn thắp nến, đốt nhang, bỗng có tiếng reo hò từ quốc lộ 1 vọng về :

- Đại biểu Chính phủ Lâm thời đã về.

- Cụ Hồ đã về làng ta, Cụ Hồ về làng ta!

Tất cả mọi người xúm lại, vây quanh chiếc ô tô nhỏ màu đen đang từ từ chạy vào đền Đô. Các đồng chí Nguyễn Ly, Nguyễn Thạc Lâm, Hoàng Văn Tiến... trong Ban Tổ chức chạy lại đón Bác Hồ. Người niềm nở vẫy tay chào mọi người rồi thong thả bước vào đền Thượng. Một hồi chiêng trống vang lên, khói hương trầm lan tỏa; trong không khí trang nghiêm, Bác Hồ kính cẩn nghiêng mình thắp hương tưởng nhớ các vị vua triều Lý .

Sau lễ dâng hương, Bác Hồ đứng ở giữa sân Rồng, đền Đô thăm hỏi,nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân Đình Bảng. Sau khi biểu dương công lao của cán bộ và nhân dân Đình Bảng đối với lịch sử và cách mạng, Người ân cần nói chuyện với đồng bào, đại ý:

Hôm nay thay mặt Chính phủ, tôi về Đình Bảng thăm đồng bào, cùng đồng bào tưởng nhớ công ơn to lớn của Lý Bát Đế. Hơn 80 năm qua, nước nhà bị thực dân Pháp thống trị, dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy. Nhờ có cách mạng thành công mà nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, nhưng hiện giờ nước nhà còn nhiều khó khăn về kinh tế. Vì vậy đồng bào phải hăng hái tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.... “Lễ quý hồ tinh, không quý hồ đa”. Trâu đang rất cần cho sản xuất, chống đói, các cụ và bà con không nên thịt trâu để làm lễ giỗ Vua. “Lễ vân, lễ vân bạch ngọc vân hồ tai/ Nhạc vân, nhạc vân chung cổ vân hồ tai”- tức là lễ cốt ở lòng thành, cứ gì có mâm bạch ngọc mới là quý. Khi lễ lòng ta tưởng như có nhạc, đâu cần bên chiêng, bên trống mới là nhạc.

Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Đình Bảng đã góp công đối với lịch sử và cách mạng. Là quê hương phát tích của nhà Lý và là một cơ sở quan trọng của Đảng từ những ngày tiền khởi nghĩa... Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng đáng là một làng cách mạng kiểu mẫu.

Ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ cách đây 77 năm, cán bộ và nhân dân làng Đình Bảng nói riêng và nhân dân phường Đình Bảng nói chung đã xây dựng quê hương thành một “Làng Cách mạng kiểu mẫu” và một “Làng Văn hóa” cấp tỉnh nhiều năm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng tăng lên, không còn hộ đói, hộ nghèo, 100% gia đình được dùng nước sạch, phổ cập Trung học cơ sở cách đây 20 năm; các trường học đều xây dựng cao tầng, kiên cố; tỷ lệ phát triển dân số dưới 1%. Chính quyền địa phương và các đoàn thể vững mạnh, tổ chức cơ sở Đảng liên tục giữ vừng danh hiệu trong sạch, vững mạnh .

Có thể nói đến nay Đình Bảng đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ xứng đáng với quê hương phát tích của triều Lý, quê hương cách mạng và truyền thống anh hùng.

Trần Vọng