Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Luật An ninh mạng (sửa đổi), trong đó đề xuất các doanh nghiệp viễn thông, Internet và dịch vụ trên không gian mạng có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng khi có yêu cầu.
Dự luật mới được xây dựng trên cơ sở hợp nhất Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, thống nhất cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh mạng.
Tại Điều 13, dự thảo quy định các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải xác thực thông tin người dùng khi đăng ký tài khoản số, bảo mật tài khoản, đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng khi lực lượng an ninh có yêu cầu thông qua các hình thức như văn bản, thư điện tử, điện thoại hoặc phương tiện khác.
Ngoài ra, các nhà mạng phải có nghĩa vụ ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, dịch vụ, ứng dụng vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận yêu cầu; đồng thời lưu trữ nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm.
Theo Bộ Công an, thực tiễn cho thấy các nguy cơ an ninh mạng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội và quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Tình trạng tấn công mạng, gián điệp mạng và lộ lọt bí mật nhà nước diễn ra với quy mô lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tin tặc thường nhắm đến các cơ quan Trung ương, doanh nghiệp trọng yếu nhằm thu thập thông tin tình báo, chính sách đối ngoại – quốc phòng và chuẩn bị sẵn cho các hành vi phá hoại.
Thống kê cho thấy, mỗi năm có hơn 2.600 trang, cổng thông tin điện tử tên miền “.vn” bị tấn công thay đổi giao diện, chèn mã độc; hàng chục vụ lộ lọt tài liệu bí mật với hàng trăm terabyte dữ liệu bị chiếm đoạt. Bên cạnh đó, hơn 7.500 nguồn phát tán thông tin xấu độc với hơn 83 triệu lượt tiếp cận đã bị phát hiện, trong đó nhiều hội nhóm bị lợi dụng để xuyên tạc, kích động, gây rối.
Bộ Công an cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật về an ninh mạng để ứng phó hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, bảo vệ dữ liệu cá nhân và chủ quyền không gian mạng quốc gia.
Việc sửa đổi luật cũng nhằm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, theo đó chuyển nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Công an. Chính phủ dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 10 vào cuối năm nay.