CCB, thương binh Nguyễn Linh Mục chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), chúng tôi có dịp đưa các đoàn CCB nhiều tỉnh, thành phố và BLL truyền thống đến dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trong tỉnh Quảng Trị. Thật cảm động khi tôi gặp lại CCB, thương binh Nguyễn Linh Mục tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong. Chúng tôi có cuộc trao đổi về cuộc sống và công việc của ông hơn 40 năm qua về công việc đặc biệt chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoàn cảnh gia đình của ông?

CCB Nguyễn Linh Mục: Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cha mẹ là cơ sở nuôi dưỡng cán bộ nên từ nhỏ tôi đã theo cha làm liên lạc, canh gác cho các chú, các anh chị hoạt động trong lòng địch. Năm 1969, tôi tham gia du kích tập trung của xã, sau thoát ly vào bộ đội tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương rồi bị thương. Năm 1976, phục viên trở về quê làm ăn sinh sống, năm 1980 thì lập gia đình.

Là hội viên CCB với bộn bề công việc đồng ruộng, cuộc sống không ít khó khăn. Tôi tự nhủ, mình là người lính Cụ Hồ nên phải phấn đấu vươn lên để thắng được đói nghèo. Bằng nội lực của mình, tôi mạnh dạn đầu tư công sức cải tạo vườn tạp sang trồng và kinh doanh cây cảnh. Đến nay, mỗi năm có thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, nhờ vậy mà gia đình có cuộc sống sung túc hơn và các cháu có công việc làm ổn định.

PV: Cơ duyên nào để ông gắn bó với công việc này?

CCB Nguyễn Linh Mục: Tỉnh Quảng Trị hiện có 72 nghĩa trang, trong đó có Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị - nơi yên nghỉ của gần 55.500 liệt sĩ trong cả nước. Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung được xây dựng năm 1983, là nơi an nghỉ của 312 phần mộ cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất Triệu Trung anh hùng. Tròn 40 năm qua, Nghĩa trang được các tổ chức, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp tôn tạo nhiều lần để nghĩa trang được khang trang, sạch và đẹp như ngày hôm nay.

40 năm về trước, tôi được chính quyền địa phương động viên, giao nhiệm vụ làm quản trang, chăm lo phần mộ của các anh hùng liệt sĩ. Tôi phấn khởi nhận và luôn có gắng làm tròn nhiệm vụ được giao. Là người lính trở về, tôi luôn xác định công tác chăm sóc các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Người có công là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Vì vậy, tôi tham gia tích cực vào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở địa phương và đóng góp một phần thu nhập của mình để lo hương khói hằng ngày cho các liệt sĩ Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trung.

PV: Ngoài công việc quản trang, điều tâm đắc nhất của ông là gì ?

CCB Nguyễn Linh Mục: Nhiều đêm không ngủ được, tôi luôn tự nhủ, mình còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác, khi mà trên mảnh đất Quảng Trị còn hơn 14.000 liệt sĩ đang nằm lại trong lòng đất mẹ chưa được quy tập và hơn 2.500 mộ chưa có thông tin đầy đủ cần được bổ sung. Hưởng ứng phong trào CCB “Tiếp tục đi tìm đồng đội”, lại được sự ủng hộ và động viên của gia đình, đồng đội, với phần lương hưu tiết kiện được, từ năm 1982 đến nay, tôi tranh thủ đến các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện, ghi chép hàng trăm thông tin rồi nhờ đăng báo hoặc đến tận gia đình hàng chục liệt sĩ để báo tin về người thân, đồng đội đang nằm lại trong các nghĩa trang của địa phương.

PV: Thời gian tới ông còn gắn bó với công việc đặc biệt này không?

CCB Nguyễn Linh Mục: Hơn 40 năm gắn bó với công việc quản trang không có phụ cấp nhưng tôi vẫn yên tâm và luôn xác định, còn sức khỏe tôi vẫn gắn bó với công việc này. Đã từng tham gia chiến đấu, chứng kiến những đau thương, mất mát của những đồng đội đã hy sinh, vậy nên gắn cuộc đời mình với công việc quản trang để “canh giấc ngủ” cho các đồng đội là trách nhiệm thiêng liêng, niềm hạnh phúc của tôi. Kể từ khi còn trẻ đến những năm tháng tuổi già thì đảm nhiệm công việc quản trang để tri ân đồng đội, hằng ngày được ở bên, được chăm sóc phần mộ, khói hương cho các anh hùng liệt sĩ luôn là mong muốn của tôi.

Chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sĩ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của họ khi thắp nén nhang cho các liệt sĩ, tôi tự hứa với lòng mình sẽ chăm sóc phần mộ của các anh chu đáo hơn nữa để mỗi lần đồng đội và gia đình các liệt sĩ đến dâng hương luôn thấy nơi an nghỉ của các anh luôn khang trang, sạch đẹp và ấm cúng như ở quê nhà.

PV: Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe trong cuộc sống và thực hiện công việc quản trang đầy nghĩa tình được lâu dài.  

Lê Phước Thọ (Thực hiện)