Ngày 5-4-2023, Bộ Quốc phòng và tỉnh Sơn La tổ chức họp báo giới thiệu về Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề “Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm” sẽ được tổ chức vào ngày 13-4-2023. Đồng chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Đại tá Trần Ngọc Anh - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng; Đại tá PGS. TS. Nguyễn Văn Sáu - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Bộ Quốc phòng; Nguyễn Tiến Việt - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La.

Đại tá Trần Ngọc Anh - Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn phát biểu tại buổi họp.

Hội thảo góp phần làm sáng tỏ và khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, đã nhạy bén nắm bắt tình hình, phối hợp với Chính phủ Kháng chiến Lào mở Chiến dịch Thượng Lào 1953. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tham gia chiến dịch đã chủ động, mưu trí, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng, sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ; phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh; vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang và nhân dân trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Tầm vóc, ý nghĩa, nguyên nhân thắng lợi; sự phát triển bền chặt, tất yếu của quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Kết quả Hội thảo nhằm tri ân công lao to lớn và sự đóng góp của quân, dân Tây Bắc; trong đó, có quân và dân Sơn La đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc nói chung và trong Chiến dịch Thượng Lào nói riêng.

Căn cứ chủ đề Hội thảo, Viện Lịch sử quân sự đã xây dựng chủ đề với sự tham gia của 72 bài tham luận với các nội dung chính như sau:

Một là, làm rõ bối cảnh trong nước, quốc tế; tình hình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam - Lào; âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trong những năm 1952 - 1953 tác động đến Chiến dịch Thượng Lào.

Hai là, đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và điều hành tác chiến chiến dịch đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Chỉ huy Chiến dịch.

Ba là, diễn biến chính và những nét nổi bật trong chỉ đạo chiến lược, chiến dịch; sự trưởng thành và bước phát triển mới trong phối hợp chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam với Lực lượng vũ trang Cách mạng Lào; sự phát triển của nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch, truy kích địch rút chạy. Đồng thời, đánh giá, nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức, chỉ huy chiến đấu của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp.

Bốn là, vai trò, đóng góp của lực lượng vũ trang, của đồng bào các dân tộc hai nước Việt Nam - Lào trong Chiến dịch Thượng Lào 1953. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Sơn La sau 70 năm Chiến thắng Thượng Lào.

Năm là, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm của Chiến dịch Thượng Lào 1953; sự vận dụng và phát huy những bài học trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, bảo vệ vững chắc Tổ quốc của mỗi nước trong thời kỳ mới.

Viện Lịch sử quân sự đã chọn lọc, biên tập các bài tham luận và dự kiến hoàn thành cuốn sách kỷ yếu vào ngày 10-4-2023.

Trong chương trình, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tổ chức thăm, tặng quà một số gia đình chính sách của tỉnh Sơn La.

Tin và ảnh: Hồ Thanh Hương